(HNM) - Cảm nhận chân thực nhất về một thành phố bạn chưa từng đặt chân tới không gì tốt hơn là để con tim hòa cùng nhịp đập với nó.
Hiểu tính cách chủ nhà nhanh nhất là vào bếp. Hiểu thành phố nhanh nhất là vào chợ. Chợ trung tâm Nagyscarnok rộng lớn với vô vàn sản phẩm truyền thống. Các sạp hàng thêu ren thủ công, đồ trang sức, ớt bột (paprika), hoa quả rau xanh chen chân bên những cửa hàng bánh retek với vô số vị, nào là nhân táo, cherry, pho mát ngọt, thậm chí cả nhân bắp cải mặn ngon tuyệt khiến tôi mê mẩn. Thực phẩm Hungary sử dụng nhiều ớt bột, tỏi và kem chua - ảnh hưởng từ Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia. Các món ăn chính phổ biến nhất là thịt lợn và gà. Cá tuy không được ưa chuộng lắm, nhưng riêng cá chép nước ngọt dân Hung lại rất thích. Đã đến Budapest không thể bỏ qua món súp cá halászlé (súp cá cay) "quốc hồn quốc túy" của Hungary, thưởng thức halászlé đặt trong chiếc nồi nhỏ mới đúng điệu người Hungary sành ăn.
Nhìn từ chân tượng Nữ thần Tự do, toàn cảnh Budapest lung linh huyền ảo với dòng Danube thơ mộng. |
Các quán ăn, bar, cà phê ngoài trời tại Budapest cũng rất nhộn nhịp, nhưng mật độ không dày đặc và đắt đỏ như Paris. Có nhiều quán snackbár, bufé (tự phục vụ) đến các quán ăn ngon Cukrászda (patisseries), phổ biến nhất là chuỗi nhà hàng Vienna bán bánh ngọt và cà phê. Gerbeaud là quán cà phê nổi tiếng nhất của Budapest. Sau một vòng thành phố, chúng tôi dừng chân ghé một quán đẹp và lãng mạn bên bờ sông Duna thưởng thức bữa ăn đậm chất Hungary. Nhâm nhi ly rượu Tokaji nổi danh, ngắm tòa lâu đài rượu nho đẹp lộng lẫy trong tiết thu khiến tôi ngây ngất. Khu lâu đài này là nơi ủ rượu, thưởng rượu và giới thiệu toàn bộ quy trình làm rượu nho nổi tiếng của Hungary. Người Hung có câu châm ngôn nổi tiếng: "Rượu tuyệt như đàn bà"! Tôi nhớ có ai đó đã nói rằng, muốn biết rượu ngon hay không, hãy nhìn vào "lớp váy áo" của nó, đó chính là màu rượu. Rượu trắng hay đỏ, màu đậm hay nhạt đều tốt, nhưng quan trọng nhất là sự óng ả đều màu khi đổ vào ly. Những người sành điệu nhìn màu rượu mà đoán được hương vị, cũng như đàn ông nhìn lớp váy áo mà đoán được tính cách đàn bà. Ly rượu ngọt quá cũng chán, chua chát quá thì uống không nổi. Thứ pha trộn vừa đủ mới khiến đầu lưỡi đàn ông đê mê và trái tim họ không thể nào quên.
Là một trong 25 quốc gia đầu tiên trồng nho trên thế giới, Hungary có rất nhiều vùng sản xuất rượu, trong đó có hai thương hiệu đẳng cấp quốc tế là Bikavér (có nghĩa là "máu của Bull", một loại rượu vang đỏ mạnh mẽ) và Tokaji (rượu vang mạnh dùng để tráng miệng). Đặc biệt rượu Tokaji từng được vua Louis XIV của Pháp ngợi khen qua câu nói bất hủ: Đây là vua của các loại rượu và là rượu của các vị vua (C'est le roi des vins et le vin des rois). Loại rượu này nổi tiếng đến mức cái tên Tokaji đã đi vào lời hát quốc ca của Hungary. Điều làm nên hương vị đặc trưng của rượu Tokaji chính là từ những quả nho được thu hoạch muộn, khi lên men tạo thành vị ngọt đậm lạ thường. Thời tiết sáng sớm sương mù nhưng ban ngày lại nắng ráo của mùa thu vùng sông Tisza và Bodrog cũng tạo hương vị có một không hai của Tokaji. Không chỉ là đồ uống ưa thích của "vua mặt trời" Louis XIV, danh sách các vị quân vương yêu thích Tokaji còn có cả Pie Đại đế, Napoleon đệ tam. Riêng vua Thụy Điển Gustav III thì không uống bất kỳ một loại rượu nào khác ngoài Tokaji. Giáo hoàng Pius IV đã nói: "Đây là loại rượu xứng đáng luôn có mặt trên bàn ăn", còn Giáo hoàng Benedek XIV khi nhận được quà tặng là một chai Tokaji đã thốt lên: "Hạnh phúc cho người gửi tặng rượu này, hạnh phúc cho vùng đất sản sinh ra loại rượu này và hạnh phúc cho tôi khi được thưởng thức ly rượu này". Danh sách người hâm mộ Tokaji còn có các nhạc sĩ vĩ đại Beethoven, Liszt, Schubert, đại thi hào Goethe. Đó là minh chứng về đẳng cấp của một loại rượu hàng đầu thế giới đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của Hungary. Tokaji hiện đã có mặt ở Việt Nam nhưng có giá khá "chát", khoảng 2,5 triệu đồng/chai. Cũng phải thôi, "rượu của vua" mà!
Cầu Xích, còn có tên là cầu Sư tử với nét đẹp kinh điển góp phần tôn vẻ đẹp cho dòng Danube thơ mộng |
Có một cái thú mà khi đến Budapest nhất định phải thưởng thức đó là tắm nước khoáng nóng tại nhà tắm Thổ Nhĩ Kỳ, sa hoa như khung cảnh của vua chúa ngày xưa, nét riêng đặc biệt không đâu có. Với 123 suối khoáng nóng tự nhiên, Budapest có hơn 20 hồ tắm công cộng, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Người Hungary luôn tự hào khoe rằng, nếu đục một cái lỗ trên mặt đất ở bất kỳ đâu tại đất nước này, bạn cũng sẽ thấy nước nóng. Nói một cách khác, đến với Budapest, bạn có thể xuýt xoa trước cái vị cay nồng của ớt, trầm trồ với lối kiến trúc lộng lẫy nhưng nếu chưa tắm nước nóng ở đây thì bạn chưa cảm nhận Budapest một cách trọn vẹn. Những nhà tắm công cộng đầu tiên được xây dựng từ thế kỷ XIV, đến năm 1934, Budapest được tặng danh hiệu "Thành phố của những nhà tắm hơi" và cả thế giới biết đến "đặc sản" này của thành phố. Szechenyi và Gellert là hai hồ tắm nước nóng nổi tiếng nhất, tràn ngập trên các tấm bưu thiếp về Budapest.
Di chuyển trong thành phố cũng là một trải nghiệm thú vị. Tôi quyết định tham quan danh thắng bậc nhất của Budapest được UNESCO công nhận là Di sản thế giới - Đồi Lâu đài (Castle Hill) bằng các phương tiện công cộng sẵn có, âu cũng là những kinh nghiệm thú vị về hệ thống giao thông không những tiện lợi mà còn rất rẻ. Cuốc bộ đến một trạm metro ở trung tâm, tôi mua một tấm vé ngày (vé này có thể đi tất cả các loại phương tiện công cộng từ metro, xe buýt, tàu điện, tàu thủy... trong ngày hôm đó mà không phải trả thêm bất cứ một loại phí nào). Đây là điểm rất khác biệt với các nước Tây Âu. So với Paris, giá cho sự di chuyển trong thành phố chỉ bằng một nửa. Chỉ mất khoảng 160 forint (Ft) tương đương 160 nghìn đồng/ngày là có thể đi khắp thành phố trong vòng 24 giờ, trong khi ở Paris bạn phải trả ít nhất từ 2 đến 3 EUR (60 đến 90 nghìn đồng/chặng metro hoặc xe buýt). Dù Hungary đã gia nhập khối Schengen từ 1-5-2004, nhưng đến thời điểm này, người dân Budapest vẫn chỉ dùng đồng forint (HUF) chứ hiếm khi dùng EUR.
"Thành của những người đánh cá" , một trong 7 kỳ quan kiến trúc Hungarry |
Tôi mạnh dạn leo lên một chiếc tàu điện, bồi hồi nhớ tiếng leng keng tàu điện Bờ Hồ gắn với tuổi ấu thơ và thấy tiếc cho Hà Nội khi không giữ được nét riêng này. Lại nói thêm, tàu điện rất phổ biến ở Hungary và Áo. Đây là phương tiện giao thông công cộng cực kỳ tiện lợi, thoáng, sạch sẽ, cũng là một nét đẹp tô điểm cho thành phố. Rồi chuyển sang xe buýt mấy chặng, là lên tới khu Đồi Lâu đài. Suốt những ngày ở Châu Âu, tôi chưa thấy ai kiểm tra vé bao giờ, kể cả trên metro, tàu điện lẫn xe buýt hay tàu thủy cũng vậy. "Không có ai kiểm tra vé cả. Nhưng nếu bị phát hiện trốn vé thì sẽ phạt rất nặng, thường là gấp 10 lần hoặc hơn giá vé thực tế. Họ đề cao lòng tự trọng của người dân" - người chị họ của tôi chia sẻ.
Trên khu Đồi Lâu đài có Cung điện Buda còn có tên là Lâu đài hoàng gia (Királyi Var) mà dân Hung hay gọi tắt là thành Var, Cung điện được xây ở mũi nam của Đồi Lâu đài, là nơi ở và làm việc của vua và hoàng gia Hungary suốt thời kỳ lịch sử. Ngoài ra nơi đây còn có nhà thờ Matthias và quần thể "Thành những người đánh cá" được người dân Hungary bình chọn là một trong "bảy kỳ quan kiến trúc Hungary".
Kết thúc một ngày hoàn hảo là được nhâm nhi ly cà phê trên đỉnh đồi Gellert, nơi có tầm nhìn đẹp nhất, cả thủ đô nằm gọn trong tầm mắt. Budapest chìm dần trong ánh hoàng hôn tím. Toàn bộ dòng sông Duna, Đồi Lâu đài, các dinh thự lộng lẫy đã lên đèn, những chiếc du thuyền sáng rực dập dìu đưa khách thả hồn trên dòng sông xanh êm đềm. Ở vị trí này, có thể thấy chính xác điểm Duna chia thành hai nhánh, chưa bao giờ ấn tượng về Duna trong tôi lại mạnh mẽ đến vậy. Lặng nghe bản "The Blue Danube" yêu thích qua tiếng vĩ cầm du dương của một nghệ sĩ đường phố dưới chân tượng Nữ thần Tự do, tôi biết khoảnh khắc này thật hiếm hoi. Duna - Danube ơi, tôi mong sẽ có lần trở lại nơi này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.