(HNMCT) - Viêm gan B là “sát thủ thầm lặng” phá hủy chức năng gan, gây suy gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B khá cao nhưng nhiều người chưa hiểu về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.
10 - 15% dân số mắc bệnh
Tỷ lệ mắc viêm gan vi rút ở nước ta vào khoảng 10 - 15% dân số. Viêm gan B là nguyên nhân gây ra hơn 80% số ca bệnh về gan như xơ gan, suy gan, ung thư gan... PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho hay, có tới 90% số người bị viêm gan B không biết mình bị bệnh. Viêm gan là nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong ở nước ta. Mặc dù đã có phác đồ điều trị và vắc xin phòng bệnh nhưng viêm gan B vẫn là gánh nặng cho ngành Y tế và người bệnh vì bệnh cần phải theo dõi và điều trị suốt đời.
Đáng lo ngại là tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư gan gần tương đương số người mắc bệnh (khoảng 80 - 90% bệnh nhân đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, biến chứng xơ gan, ung thư gan). Sở dĩ có điều này là do bệnh viêm gan B nói riêng và viêm gan vi rút nói chung thường diễn biến âm thầm, ít biểu hiện triệu chứng nên đa phần người bệnh không biết về tình trạng của bản thân.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Mùi, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, Chủ tịch Hội đồng Xây dựng phác đồ điều trị viêm gan vi rút áp dụng trên toàn quốc, trước đây viêm gan B chủ yếu lây qua đường tiêm truyền vì chúng ta sử sụng kim tiêm nhiều lần, điều kiện khử trùng dụng cụ y tế chưa được đảm bảo. Đến nay, con đường lây truyền chủ yếu là từ mẹ sang con. Nếu mẹ bị viêm gan B nồng độ vi rút cao thì hầu như sẽ truyền sang con nếu không có biện pháp phòng ngừa. Hiện ở khu vực đô thị chúng ta triển khai tốt biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn, đặc biệt là nơi xa xôi hẻo lánh, nhiều phụ nữ mang thai không biết mình bị nhiễm hay không, trẻ ra đời không được tiêm phòng. Chính vì vậy, tỷ lệ mang vi rút viêm gan B mạn tính vẫn còn cao so với thế giới.
Theo PGS.TS Trịnh Thị Xuân Hòa, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 103, viêm gan B được xem là "sát thủ thầm lặng" vì triệu chứng không rõ nên người bệnh không biết để đi điều trị. Do đây là bệnh phải điều trị lâu dài với chi phí cao nên nhiều người bỏ thuốc, gây tình trạng kháng thuốc cao.
Tầm soát thường xuyên
Có nhiều loại vi rút gây viêm gan, phổ biến là viêm gan A, B, C, D, E, G, ngoài ra còn có một số loại vi rút khác có thể làm tổn thương gan như CMV, EBV... Trong đó, viêm gan B và C được quan tâm nhiều nhất ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, tỷ lệ viêm gan B ở nước ta cao hơn so với viêm gan C nên hầu hết người dân chỉ đi làm xét nghiệm vi rút viêm gan B mà bỏ qua xét nghiệm vi rút viêm gan C. Bởi thế, còn rất nhiều người trong cộng đồng chưa được tầm soát bệnh viêm gan đầy đủ.
Viêm gan B có thể được điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, người bệnh thường bỏ qua những dấu hiệu ban đầu và phát hiện bệnh khi đã muộn. Vì vậy, người dân nên thường xuyên tầm soát bệnh này tại các cơ sở y tế uy tín. Theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, để sống an toàn với vi rút viêm gan B, người bệnh cần đi khám định kỳ 3 - 6 tháng một lần để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời.
Những người đã có chỉ định dùng thuốc điều trị viêm gan B cần dùng đều đặn, không được bỏ thuốc. Việc tự ý ngừng điều trị có thể khiến vi rút bùng phát, men gan tăng cao, suy gan cấp, hôn mê, thậm chí tử vong, đặc biệt là với người cao tuổi. Ngay cả khi bệnh đã ổn định, vẫn cần tiếp tục theo dõi định kỳ.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, ngoài khám định kỳ, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, người mắc viêm gan vi rút cần có chế độ sinh hoạt khoa học, đặc biệt với những người có men gan cao. Cần ăn thức ăn dễ tiêu, nhiều rau, uống nước cam, chanh. Người bệnh không ăn đồ chiên, rán, xào nhiều dầu mỡ làm tăng gánh nặng cho gan, không dùng đồ ăn đun lại nhiều lần; tránh các chất gây hại cho gan như thuốc lá, bia rượu cùng một số thuốc như paracetamol, thuốc hạ mỡ máu statin...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.