(HNMO) - Sáng 30-3, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ thành phố chủ trì hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo...
Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị. |
Trong quý I-2018, Ban Chỉ đạo Xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở đã chủ động, tích cực tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo và triển khai nghiêm túc, bảo đảm tiến độ các nội dung về thực hiện QCDC theo chương trình công tác đã đề ra, gắn với chủ đề công tác "Năm dân vận chính quyền 2018” và “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”.
Ban Chỉ đạo các cấp cũng được củng cố, kiện toàn kịp thời; ban hành kế hoạch kiểm tra việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Đa số các cơ sở đã chủ động rà soát, sửa đổi bổ sung các quy chế, quy ước; gắn việc thực hiện QCDC với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Quy tắc ứng xử nơi công cộng và trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội.
Việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn thành phố đã được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo tích cực, phát huy quyền dân chủ của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường; tích cực tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương và thành phố về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao hoạt động của Ban chỉ đạo từ thành phố đến cơ sở. Trong đó, nổi bật là việc Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC của thành phố đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị định số 04/NĐ-CP ngày 9-1-2015 của Chính phủ” trong khối giáo dục Thủ đô, qua đó góp phần phát huy quyền làm chủ và huy động tiềm năng trí tuệ của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường. Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cũng đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, tổ chức cho đoàn viên, hội viên thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, tiếp thu góp ý của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền...
Tuy nhiên, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Trong quý II-2018, Ban Chỉ đạo cần triển khai một số nội dung quan trọng. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; gắn việc thực hiện QCDC với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Nhấn mạnh việc triển khai Kế hoạch số 84-KH/TU của Thành ủy về Tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 30 CT/TƯ, ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu Ban Chỉ đạo đôn đốc các địa phương, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức tổng kết bảo đảm chất lượng và tiến độ thời gian.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh việc thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố, thực hiện tốt Nghị quyết 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017 của Thành ủy “Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố”.
"Các thành viên Ban Chỉ đạo cần triển khai các hoạt động theo hướng đi vào thực chất, tránh hình thức. Mỗi tổ chức đoàn thể phải nhận một "điểm nóng" trên địa bàn quản lý để vận động, giải quyết trên tinh thần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến đóng góp của nhân dân" - Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC lưu ý.
Đồng ý với việc thành lập các đoàn kiểm tra thực hiện QCDC đến từng xã, phường, quận, huyện chưa được khảo sát thực tế, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các đoàn kiểm tra trong năm 2018 đến 584 xã, phường, thị trấn, đôn đốc việc sơ kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 30 CT/TƯ, từ đó có những đánh giá, kiến nghị, đề xuất cụ thể với Ban Chỉ đạo thành phố. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cần nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ quý II và năm 2018.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.