Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc làm cấp thiết

Đăng Vũ| 22/08/2021 06:06

(HNM) - Lâu nay, vấn đề kiểm duyệt, thẩm định phim luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của người trong giới điện ảnh. Thực tế này cho thấy, việc cấp phép phổ biến phim đang có nhiều điều cần bàn...

Bộ phim “Vị” vừa bị cơ quan chức năng “tuýt còi” vì lý do “không phù hợp với văn hóa Việt Nam”. Đáng nói, trước đó, cùng với phim “Vị”, nhà sản xuất phim “Ròm” cũng bị xử phạt vi phạm hành chính vì đưa phim dự liên hoan ở nước ngoài khi chưa được cấp phép phổ biến ở Việt Nam. Thực tế, những vụ việc này chỉ là số ít, bởi có nhiều phim sản xuất trong nước vẫn đáp ứng các quy định hiện hành và đạt kết quả xứng đáng khi phát hành ra thị trường trong nước và quốc tế. Tuy vậy, xét trên bình diện rộng, những hiện tượng như phim “Vị”, phim “Ròm” cũng đặt ra cho giới điện ảnh những điều đáng suy ngẫm.

Rõ ràng, việc kiểm duyệt, thẩm định phim đang cần đổi mới toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát triển của điện ảnh nước nhà. Bởi việc sản xuất phim hiện đã thay đổi mạnh mẽ so với trước, khi phim nhựa đã chuyển sang phim kỹ thuật số, kéo theo sự thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất, phổ biến, phát hành, lưu trữ phim. Thực tế này đòi hỏi giới điện ảnh phải thay đổi, từ cách nghĩ đến cách làm, trong đó, một yêu cầu quan trọng là phải đứng trên góc độ vì sự phát triển và hội nhập của điện ảnh Việt Nam.

Điểm thuận lợi là hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập 4 hội đồng thẩm định phim nhiệm kỳ 2021-2023 với nhiều đổi mới về thành phần, gồm thành viên trẻ tuổi có tính tương tác, cởi mở và cập nhật yếu tố mới tốt hơn. Điều quan trọng là dựa trên căn cứ pháp lý, kết hợp với những góc phân tích, đánh giá khoa học, mới mẻ nhưng bảo đảm tính nghệ thuật, thuần phong mỹ tục Việt Nam, các thành viên hội đồng thẩm định sẽ nêu cao trách nhiệm, thể hiện sự “chắc tay”, tính chuyên nghiệp để không bỏ lọt tác phẩm chất lượng, đồng thời sàng lọc triệt để phim không đạt yêu cầu. Thành viên thẩm định cũng phải cập nhật sự phát triển của thị trường điện ảnh cả trong và ngoài nước, nhu cầu của khán giả, từ đó đưa ra những căn cứ xác đáng, thuyết phục cho mỗi bộ phim. Làm sao để hoạt động kiểm duyệt, thẩm định phải bảo vệ, cổ vũ được sự sáng tạo của người làm phim; những nghệ sĩ có được “khoảng trời” rộng hơn để thêm bản lĩnh, phát huy khả năng sáng tạo.

Về lâu dài, vấn đề thu hút sự quan tâm là phải hoàn thiện hành lang pháp lý. Hiện cơ quan chức năng đang soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng để tạo sự kín kẽ, một trong những lưu ý là việc thẩm định, phân loại, cấp phép phát hành phổ biến phim cần được quy định đầy đủ và phù hợp hơn. Liên quan đến nội dung này, cần đặc biệt lưu ý đến việc phân cấp thẩm quyền cấp phép cả phim trong nước và phim nhập khẩu, phải bảo đảm thống nhất giữa cấp trung ương - địa phương và địa phương - địa phương. Song song là quy định chặt chẽ việc phổ biến phim trên môi trường mạng, bảo đảm công bằng với các môi trường khác, tương đồng với sự phát triển của điện ảnh, công nghệ và tính khả thi.

Thêm một khía cạnh cần quan tâm là cần coi phim như hàng hóa đặc biệt và luật phải điều chỉnh thị trường cho loại hàng hóa này. Do đó, cần nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy trình để giảm thời gian, chi phí cho đơn vị sản xuất phim.

Hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh nói chung và cấp phép phát hành phim là việc làm cấp thiết để tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc làm cấp thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.