Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc làm cần thiết

Bảo Nga - Dạ Khánh| 08/03/2011 07:09

(HNM) - Từ tháng 3-2011, Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp với Công an thành phố Hà Nội và các trường THPT bí mật ghi hình, quay camera, chụp ảnh những học sinh (HS) vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi đến trường.

Bà Nguyễn Thị Tuyết (phường Định Công, quận Hoàng Mai):  Quy định nghiêm khắc, buộc học sinh phải chấp hành
Tình trạng HS chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường, chở 3-4 người, không đội mũ bảo hiểm, đánh võng, đuổi nhau trên đường... gây nhức nhối trong xã hội. Cơ quan chức năng của Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp như tuyên truyền trong trường học, tăng cường phát hiện, xử lý HS chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy, gửi danh sách HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ về Sở GD-ĐT... nhưng đều không đạt kết quả như mong muốn. Vì vậy, biện pháp công an phối hợp cùng nhà trường bí mật ghi hình, chụp ảnh HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm thì việc ghi hình HS vi phạm Luật Giao thông (GT) đường bộ sẽ không có nhiều ý nghĩa. Theo tôi, cách làm như Trường THPT Phan Đình Phùng cần được các trường nhân rộng. Theo văn bản quy định của nhà trường, HS lần đầu tiên phát hiện vi phạm Luật GT sẽ bị đình chỉ học tập 3 ngày, hạ một bậc hạnh kiểm. Nếu tái phạm nhiều lần, nhà trường sẽ đình chỉ học 6 tháng và nhận mức hạnh kiểm yếu. Điều đó cũng có nghĩa, học sinh vi phạm nhiều lần sẽ bị lưu ban. Đây là một quy định nghiêm khắc, buộc chính các em phải nêu cao ý thức tự giác, chấp hành nghiêm các quy định về TTATGT.

Ông Lê Đức Thắng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ): Nâng cao ý thức khi tham gia giao thông
Tôi được biết, cách đây 3 năm, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng biện pháp quay camera phát hiện HS đi xe gắn máy, gửi danh sách về nhà trường để có biện pháp xử lý. Chỉ sau một thời gian ngắn, số lượng HS vi phạm Luật GT giảm xuống 50%. Tôi rất mong sau thời gian thí điểm tại các trường thuộc khu vực nội thành, việc bí mật quay camera phát hiện HS chưa đủ tuổi, nhưng vẫn tham gia giao thông bằng xe gắn máy sẽ được triển khai rộng rãi tại các trường THCS, THPT trên địa bàn toàn thành phố. Thực tế, tại các trường học ở ngoại thành, tỷ lệ HS đi xe máy đến trường cũng rất phổ biến. Thêm nữa, các trường ở khu vực ngoại thành thường nằm sâu trong khu dân cư, khá xa đường quốc lộ, tỉnh lộ nên HS đi xe máy đến trường ít khi bị phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi để ngăn chặn tình trạng này vẫn là bằng mọi cách phải giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành Luật GT cho HS.

Nếu các em không ý thức được hành vi vi phạm, coi nhẹ sinh mạng của chính mình và người khác, thì chắc chắn tình trạng trên sẽ vẫn tái diễn.

Bà Vũ Thị Yến (phường Trung Tự, quận Đống Đa): Xử lý nghiêm những HS "lách luật"
Việc HS chưa đủ tuổi quy định mà điều khiển xe máy cần được ngăn chặn triệt để, không chỉ vì tính mạng của các em, mà còn vì tính mạng của nhiều người. Các em chưa có giấy phép lái xe, chưa am hiểu luật, biết mình vi phạm, sợ bị phát hiện nên thường hay phóng nhanh, thậm chí còn lạng lách, đánh võng… Các trường đều có quy định bắt buộc HS đến trường phải mặc quần áo đồng phục có phù hiệu, tên trường. Đây là đặc điểm rất dễ nhận dạng để phân biệt HS và những người đi đường khác. Tuy nhiên, có không ít HS "láu cá", sợ bị phát hiện vi phạm luật khi điều khiển xe máy nên đã mặc áo khoác choàng để che đồng phục, hay mặc áo thường từ nhà, đi đến nơi gửi xe rồi mới thay đồng phục để vào lớp. Để quản được triệt để việc HS đi xe máy đến trường, bên cạnh việc bí mật ghi hình, chụp ảnh, theo tôi, các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp đối phó với tình trạng HS cố tình lách luật và có hình thức xử lý "mạnh tay" hơn đối với những trường hợp này.

Ông Nguyễn Văn Thêm (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng): Phản ánh của báo chí cũng là căn cứ để xử phạt
Có thể nói rằng, quản lý việc HS đi xe máy đến trường hoàn toàn không đơn giản. Song nếu chúng ta thực sự quyết tâm và làm triệt để chắc chắn sẽ thành công. Việc bí mật ghi hình, chụp ảnh, rồi gửi danh sách HS vi phạm về nhà trường để có hình thức xử lý là biện pháp tốt, nhất là khi có được sự phối hợp giữa Sở GD-ĐT, Công an Hà Nội, nhà trường và phụ huynh. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy, các báo, đài thời gian qua cũng liên tục có những thông tin, bài viết ghi nhận thực tế HS đi xe máy đến trường. Chính sự vào cuộc, đồng hành từ các cơ quan báo chí, đã đem đến hình ảnh, thông tin chính xác về tình trạng HS trường nào hay đi xe máy tới trường, xảy ra ở đâu, khi nào; HS "kẹp 3", "kẹp 4", không đội MBH… Theo tôi, phản ánh từ báo chí cũng là một căn cứ xác đáng để xử phạt HS điều khiển xe máy vi phạm Luật GT đường bộ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việc làm cần thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.