(HNM) - Thời điểm này đã có hơn 10 đảng bộ trực thuộc Thành ủy Hà Nội tổ chức xong đại hội (ĐH) Đảng cấp trên cơ sở. Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của TƯ và TP, các ĐH đã thực sự phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ cương; coi trọng chất lượng, bảo đảm tiết kiệm… Dự thảo báo cáo chính trị và các tham luận tại ĐH đã đi vào những vấn đề thiết thực, cấp bách của đơn vị. Đáng chú ý, phần lớn các ĐH đều bầu một lần là đủ số lượng, tỷ lệ cấp ủy khóa mới bảo đảm chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý.
Tuy nhiên, từ các ĐH đã qua cũng có đôi điều cần nhìn lại để rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành cho những ĐH sắp tới. Trước hết là phần đọc dự thảo báo cáo chính trị. Mặc dù Thành ủy yêu cầu các đơn vị đọc báo cáo rút gọn vì đã gửi tài liệu đến đại biểu song vẫn có những bản tóm tắt dài đến hơn 20 trang, có ĐH thời gian dành cho phần này kéo đến hơn 60 phút...
Tiếp đến là công tác chỉ đạo, điều hành ĐH. Một số nơi công tác điều hành của đoàn chủ tịch trong phần giới thiệu đại biểu ứng cử, bầu cử và bỏ phiếu chưa tốt. Có nơi, đoàn chủ tịch mời các đại biểu ứng cử, đề cử trước khi công bố danh sách do ban chấp hành khóa cũ chuẩn bị. Nơi khác lại công bố danh sách trước, sau đó các đại biểu tham dự ĐH mới tham gia ứng cử, đề cử. Thực tế cho thấy, nếu đoàn chủ tịch công bố danh sách nhân sự do ban chấp hành khóa cũ giới thiệu trước, sau đó mới đến ứng cử, đề cử thì việc giới thiệu bầu ban chấp hành diễn ra tập trung và tiết kiệm thời gian hơn.
Trong phần bỏ phiếu, dù đã được quy định rõ cách thức song tại một số nơi vẫn xảy ra tình trạng lộn xộn. Tại các ĐH cấp trên cơ sở, số lượng tham dự đông, có ĐH lên tới hơn 300 đại biểu nên việc kiểm phiếu cũng hết sức quan trọng. Tuy nhiên, do chuẩn bị chưa chu đáo nên có đơn vị mất nhiều thời gian ngoài dự kiến cho công tác này. Hay như cách sắp xếp chương trình ĐH, tại các đơn vị tiến hành thí điểm ĐH bầu trực tiếp bí thư, nếu đưa nội dung bầu BCH và bí thư vào cùng một buổi chiều thì thường đến 18-19h mới có kết quả. Song cũng 2 nội dung ấy, nếu bầu BCH vào buổi sáng thì vẫn bảo đảm thời gian mà không gây tâm lý mệt mỏi cho đại biểu tham dự.
Phần tham luận tại ĐH cũng là nội dung được đặc biệt chú trọng. Hầu hết các ĐH cấp trên cơ sở đều có từ 20 đến 30 ý kiến đăng ký tham luận và có khoảng 1/2 số ý kiến này được trình bày tại ĐH. Đây là một cố gắng đáng ghi nhận song đáng tiếc là một số tham luận nội dung chủ yếu vẫn là liệt kê thành tích, không tập trung đi thẳng vào các nội dung đóng góp cho ĐH. Có đại biểu lại tham luận quá dài, dàn trải khiến người nghe mệt mỏi.
Từ những điều đã ghi nhận được, rất mong những ''hạt sạn'' trong công tác chuẩn bị, điều hành, tổ chức của ĐH cấp trên cơ sở tại Hà Nội sẽ là những kinh nghiệm để các đơn vị sau tổ chức tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.