Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc không đơn giản

Hà Linh| 30/09/2017 06:43

(HNM) - Sau “cơn bão” khủng hoảng nợ xấu, một số ngân hàng nhỏ bị sáp nhập, số lượng ngân hàng trên hệ thống được thu gọn lại. Cùng với đó, các ngân hàng tiếp tục phải tính đến việc tăng vốn điều lệ để có thể tồn tại. Tuy nhiên, đây là việc cũng không đơn giản trong bối cảnh hiện nay.


Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tăng vốn điều lệ từ 17.127 tỷ đồng lên 18.155 tỷ đồng. Trước đó, NHNN chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tăng vốn điều lệ từ 4.000 tỷ đồng lên 4.195 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2016. OCB cũng được NHNN chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ thêm 805 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phần riêng lẻ.



Đây mới chỉ là 2 trong số nhiều ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng là để phù hợp với quy định trong Hiệp ước vốn Basel II. Có 10 ngân hàng thuộc diện thí điểm thực hiện Basel II, trong đó có những ngân hàng lớn như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Á Châu… Theo lộ trình, cuối năm 2018, 10 ngân hàng thí điểm sẽ phải đáp ứng các chuẩn mực vốn Basel II theo hướng nâng cao, sau đó NHNN sẽ triển khai áp dụng chuẩn mực này trên toàn hệ thống.

Không chỉ những ngân hàng trong diện thí điểm Basel II, nhiều ngân hàng khác trong hệ thống cũng muốn tăng vốn. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 6.460 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu và từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2016. Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn của nền kinh tế, khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã được nới từ 18% lên 21%.

TS Nguyễn Trí Hiếu lý giải, để đáp ứng mức tăng trưởng tín dụng, ngân hàng cần tăng cả vốn huy động trên thị trường và vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu cần thiết phải tăng để tuân thủ quy định tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có, cũng như quy định tỷ lệ cấp tín dụng trên tổng vốn huy động không vượt quá 80%. Đặc biệt, với những loại tín dụng đòi hỏi hệ số rủi ro (như bất động sản hay chứng khoán trên 200%), ngân hàng cần phải có vốn điều lệ đủ để không vi phạm yêu cầu về an toàn vốn. Song ở thời điểm này, đây là việc không dễ dàng. Vì muốn tăng vốn chủ sở hữu chỉ còn cách tăng vốn điều lệ. Để có thể tăng vốn điều lệ, ngân hàng sẽ phải đưa ra kết quả kinh doanh khả quan để có được sự ủng hộ của các cổ đông. Chưa kể ngân hàng sẽ khó khăn khi các doanh nghiệp nhà nước đang phải đẩy nhanh tiến độ thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng.

Một thực tế khác ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của cổ đông khi đầu tư vào ngân hàng là "đại án" của Ngân hàng TMCP Xây dựng và Ngân hàng TMCP Đại Dương đang được xét xử. Ít nhiều, những lình xình của hai ngân hàng này đã lấy đi niềm tin của các nhà đầu tư. Bởi vậy, để có thể tiếp tục kêu gọi cổ đông đầu tư vốn vào ngân hàng nhằm tăng vốn điều lệ là không đơn giản. Chưa kể tình trạng sở hữu chéo trong các ngân hàng cũng đang để lại những hệ lụy không nhỏ và không dễ xử lý.

Khó chồng khó, song đại diện các ngân hàng đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ đều khẳng định, với kết quả kinh doanh tốt, ngân hàng vẫn có thể hoàn thành tăng vốn đúng như dự định. Không chỉ các ngân hàng riêng lẻ, nhiệm vụ của toàn ngành ngân hàng trong năm 2017 cũng như những năm tới là tiếp tục triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Với việc quyết liệt thực hiện đề án, hệ thống ngân hàng chắc chắn sẽ tiếp tục mất đi một số cái tên vì phải sáp nhập, nhưng cùng với đó sẽ là sự lớn mạnh của những cái tên đủ sức ở lại với thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc không đơn giản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.