(HNM) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến thế hệ trẻ của nước nhà khi căn dặn: “Phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”...
Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của thanh niên, ngày 25-7-2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết 25-NQ/TƯ về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (Nghị quyết 25). Văn bản quan trọng này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Ðảng đối với thế hệ trẻ và công tác thanh niên.
Cùng với thế hệ trẻ cả nước, sau 10 năm triển khai Nghị quyết 25, các phong trào "Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc", "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp"… của tuổi trẻ Thủ đô đã tạo được nhiều dấu ấn, lan tỏa mạnh mẽ giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội. Bằng những việc làm cụ thể, nhiều tấm gương sáng của thanh niên trên mọi lĩnh vực đã góp phần tạo môi trường thực tiễn rộng lớn để giáo dục, rèn luyện các thế hệ thanh niên học tập, noi theo.
Để cụ thể hóa Nghị quyết 25, ngày 31-10-2008, Thành ủy Hà Nội (khóa XIV) đã ban hành Chương trình hành động số 01-CTr/TU của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Nhờ đó, vai trò, vị trí của thanh niên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa càng được khẳng định; tính năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên trong học tập, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống của thanh niên được phát huy. TP Hà Nội còn ưu tiên nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên.
Thế nhưng, bên cạnh những thành tích đó vẫn còn một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Thậm chí, có một số ít thanh niên còn bị các thế lực xấu tác động, lôi kéo, kích động, đã có những việc làm đi ngược lại bản chất, truyền thống vẻ vang của Đoàn và trái với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó chủ yếu là do nhận thức của một bộ phận cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên về thanh niên và công tác thanh niên chưa đầy đủ, nhiều mặt còn "khoán trắng" cho Đoàn. Không ít hoạt động mang tính hình thức, không thiết thực giải quyết những vấn đề nóng bỏng của thanh niên. Vì thế, chưa thu hút được đông đảo thanh niên tham gia.
Để phát huy tinh thần "đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên" trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết 25, trước tiên cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên, đặc biệt chăm lo củng cố, xây dựng tổ chức Đoàn thực sự vững mạnh cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức và hành động. Đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào, chương trình hành động của Đoàn, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên. Tạo cơ hội cho thanh niên được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách giáo dục, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, có tri thức và kỹ năng ngang tầm với thanh niên các nước tiên tiến trên thế giới trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0...
Bác Hồ từng nói: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Phát huy vai trò xung kích đó, mỗi thanh niên Thủ đô cần không ngừng phấn đấu, vươn lên trong học tập, lao động và cuộc sống để góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.