Theo dõi Báo Hànộimới trên

VIC và VNM khiến VN-Index không thể tăng mạnh

T.Hương| 12/03/2018 15:47

(HNMO) – Phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số VN-Index lúc đầu tăng đáng kể nhưng sau đó áp lực bán gia tăng, đặc biệt là tại một số cổ phiếu lớn, nên chỉ số chung tăng chậm lại vào cuối phiên.

sau đó áp lực bán gia tăng, đặc biệt là tại một số cổ phiếu lớn, nên chỉ số chung tăng chậm lại vào cuối phiên.


Ngay ở đợt khớp lệnh đầu tiên phiên ngày 12-3, VN-Index tăng 11,96 điểm, tương ứng 1,06%, lên mức 1.135,37 điểm nhờ sức cầu khá lớn bởi hiệu ứng từ thông tin ký kết Hiệp định CPTTP vào tuần trước. Tuy nhiên, sau đó lực cung gia tăng khiến chỉ số chung không thể duy trì đà tăng mạnh. Hết phiên giao dịch sáng, VN-Index tạm dừng ở mức 1.130,9 điểm, tăng 0,67%. Sang phiên giao dịch chiều, lúc đầu chỉ số chung chạm mức 1.134,1 điểm sau sức cầu được cải thiện hơn. Tuy nhiên, càng về cuối phiên áp lực bán càng tăng lên khiến chỉ số chung tăng chậm lại. Đóng cửa thị trường, VN-Index tăng 2,88 điểm, tương đương 0,26%, lên 1.126,29 điểm; VN30-Index dừng ở mức 1.106,97 điểm sau khi nhích 0,43 điểm (0,04%).

Diễn biến của VN-Index


VIC và VNM là hai mã đã khiến chỉ số chung không thể tăng mạnh trong phiên này. Sau những ngày tăng nóng vừa qua, nhiều nhà đầu tư nhận thấy đã đến lúc thích hợp để thực hiện hóa lợi nhuân với VIC. Vì vậy mã này giảm 3.500 đồng. Là mã có mức vốn hóa lớn thứ hai thị trường nên việc VIC giảm khá mạnh đã tác động đến chỉ số chung. VNM có mức vốn hóa lớn nhất thị trường giảm 2.000 đồng. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu lớn khác cũng đi xuống như: SAB, ROS, FPT, HSG, NVL.

Cổ phiếu ngành dầu khí có sự phân hóa khá mạnh. Trong khi GAS tăng 4.200 đồng, PVD tăng 100 đồng thì PLX, PTL, PVT, PXI, PXS, PXT hiện sắc đỏ. Là mã có mức vốn hóa lớn thứ 4 thị trường nên GAS tăng mạnh đã có tác động tích cực đến chỉ số chung. Trong khi đó, với sức cầu kém, phần lớn cổ phiếu chứng khoán xuống giá: AGR, CTS, HCM, SSI, VND giảm 100-3.200 đồng.

Đóng góp lớn cho sự đi lên của thị trường trong phiên này là nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng khi mà hầu hết cổ phiếu nhóm này tăng giá: BID, CTG, MBB, STB, VCB, ACB, SHB tăng 200-1.350 đồng. Đặc biệt, EIB tăng kịch trần.

Giao dịch ở mức trung bình với tổng cộng gần 250 triệu cổ phiếu và 7.500 tỷ đồng được sang tay. Cổ phiếu ngân hàng không những tăng điểm tốt mà thanh khoản cũng cao. Trong 10 mã đạt khối lượng giao dịch lớn nhất ngành này có tới 4 mã. Trong đó STB dẫn đầu với hơn 17 triệu cổ phiếu được khớp lệnh; tiếp đến là CTG (9,13 triệu cổ phiếu). VPB và MBB đứng vị trí thứ 5 và thứ 6 trên thị trường.

Trên sàn Hà Nội, HNX30-Index tăng 1,53 điểm, lên 247,45 điểm; HNX-Index đạt 129,06 điểm, tăng 1,48 điểm.Toàn sàn có xấp xỉ 54 triệu cổ phiếu và 900 tỷ đồng được sang tay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VIC và VNM khiến VN-Index không thể tăng mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.