(HNM) - Khoa học đã chứng minh, asen hay còn gọi là thạch tín là chất kịch độc, có hại cho sức khỏe nếu vượt ngưỡng cho phép, thường tồn tại trong đất, trong nước, trong thức ăn… Hiện nay, nhiều hộ dân đang dùng nước sinh hoạt nhiễm độc thạch tín hằng ngày mà không biết và cũng không biết tác hại của thạch tín khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây bệnh ra sao.
Một cuộc khảo sát nhiễm độc thạch tín trong nước ngầm đã được tiến hành ở khu vực Đồng bằng sông Hồng cho thấy, Hà Nội là khu vực bị ảnh hưởng nhiều, với 34% mẫu nước giếng vượt quá mức 0,05mg/l (TCVN) và 3,4% vượt quá mức 0,30mg/l.
Thông thường người dùng nước nhiễm thạch tín vượt ngưỡng cho phép sẽ ủ bệnh trong người từ 5 đến 15 năm mới bắt đầu bộc lộ, thể hiện qua các triệu chứng ngoài da như: Có các đốm sẫm màu trên thân thể hay đầu các tứ chi, đôi khi gây niêm mạc trên lưỡi hoặc sừng hóa trên bàn tay, bàn chân. Nặng hơn sẽ là phát bệnh ung thư gan, phổi, bàng quang và thận…
Để phòng nhiễm độc thạch tín, các hộ dân dùng nước giếng khoan cần dùng bể lọc có giàn phun mưa và dùng thiết bị lọc thạch tín. Khi có những biểu hiện nghi ngờ nhiễm thạch tín, cần đi khám và xét nghiệm nước tiểu, tóc tại Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Yersin, Hà Nội).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.