Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao xe buýt chưa thực sự hấp dẫn hành khách?

Tuấn Lương| 29/04/2023 08:08

(HNM) - Tình hình ùn tắc giao thông phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến vận hành và chất lượng dịch vụ. Thời gian chuyến đi của hành khách chưa được bảo đảm do xe buýt vẫn phải vận hành chung với dòng giao thông hỗn hợp. Bên cạnh đó, những yếu tố như điều kiện hạ tầng phục vụ tiếp cận xe buýt chưa bảo đảm; thái độ phục vụ của một bộ phận lái xe, nhân viên bán vé chưa đúng mực… là những nguyên nhân dẫn tới xe buýt chưa thực sự hấp dẫn hành khách.

Sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 tăng 67,7% so với năm 2021. Ảnh: Tuấn Khải

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 tăng 67,7% so với năm 2021, trong đó buýt trợ giá tăng 72%. Quý I-2023, tổng sản lượng hành khách vận chuyển tăng 76,1% so với cùng kỳ năm 2022.

“Sản lượng đã có dấu hiệu phục hồi song còn chậm và chưa đạt được như kỳ vọng của thành phố”, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết.

Về nguyên nhân xe buýt phục hồi chưa như kỳ vọng, ông Thái Hồ Phương cho rằng, năm 2022, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, trong đó phải kể đến dịch Covid-19 những tháng đầu năm vẫn diễn biến phức tạp, dẫn tới nhu cầu đi lại của người dân hạn chế (tiếp tục duy trì hoạt động với 50% công suất từ ngày 1-1-2022 đến 12-2-2022 và điều chỉnh giảm 15% công suất từ ngày 16-3-2022 đến nay).

Ùn tắc giao thông phức tạp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vận hành và chất lượng dịch vụ. Thời gian chuyến đi của hành khách chưa được bảo đảm do xe buýt vẫn phải vận hành chung với dòng giao thông hỗn hợp. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, trong năm 2022 có tới 5.046 lượt xe phải bỏ do tắc đường (chiếm 0,08% tổng số lượt xe hoạt động); trên 72.000 lượt xe phải điều chỉnh lộ trình (chiếm 1,2%); trên 576.000 lượt xe xuất bến muộn so với biểu đồ (chiếm 9,4%). Trong quý I-2023 có tới 24.392 lượt xe phải tổ chức điều hành linh hoạt lộ trình do tắc đường.

Bên cạnh đó, điều kiện hạ tầng giao thông phục vụ cho việc tiếp cận của hành khách đối với xe buýt còn chưa bảo đảm. Một số đoạn tuyến không có vỉa hè để lắp đặt điểm dừng; một số đoạn tuyến, chiều rộng vỉa hè không bảo đảm để lắp nhà chờ (trong tổng số 127 điểm đầu cuối có tới 96 điểm (chiếm 75,6%) đang đặt tại lề đường, bãi trống).

Ngoài ra, mức độ thân thiện, thái độ ứng xử của một bộ phận lái xe, nhân viên phục vụ chưa đúng mực cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dịch vụ của xe buýt.

Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội với đại diện 11 đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thủ đô mới đây, ông Thái Hồ Phương cho biết, trong năm 2023, trung tâm sẽ thuê tư vấn đánh giá tổng thể hiệu quả mạng lưới các tuyến; tiếp tục rà soát, điều chỉnh hợp lý hóa luồng tuyến, biểu đồ chạy xe nhằm tránh ùn tắc, giảm thời gian chuyến đi của hành khách và tăng tính kết nối giữa xe buýt với đường sắt đô thị.

Về hạ tầng sẽ nghiên cứu, tổ chức thí điểm 1-2 làn đường ưu tiên cho xe buýt, rà soát, đầu tư đồng bộ hệ thống nhà chờ xe buýt.

Cùng với đó, xây dựng phương án vé liên thông đa phương thức cho hệ thống vận tải hành khách công cộng; cơ cấu lại giá vé xe buýt (vé lượt, vé tháng) phù hợp với cự ly đi lại của hành khách…

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường khẳng định, thành phố luôn quan tâm đầu tư phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng. Cơ quan quản lý nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp song doanh nghiệp cũng phải cộng đồng lợi ích với thành phố và người dân. Tăng sản lượng hành khách, tăng doanh thu, giảm trợ giá từ ngân sách nhà nước phải là mục tiêu, yếu tố sống còn.

Sở Giao thông - Vận tải giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội khẩn trương rà soát, đánh giá lại hiệu quả từng tuyến (sản lượng, doanh thu, trợ giá), tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ để người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng dịch vụ, có thể đánh giá chất lượng từng phương tiện, chuyến đi. 

Mạng lưới buýt của Thủ đô hiện có 154 tuyến, trong đó có 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City Tour. Xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt 100%); 512/579 xã, phường, thị trấn (đạt 88,4%); 65/75 bệnh viện (đạt 87%); 192/286 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông (đạt 67%); 27/27 khu công nghiệp lớn (đạt 100%); 33/37 khu đô thị (đạt 89,2%); 23/24 làng nghề (đạt 95,8%); 23/25 khu di tích lịch sử văn hóa, khu du lịch (đạt 92%). Mạng lưới xe buýt đã kết nối với 7 tỉnh, thành phố lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao xe buýt chưa thực sự hấp dẫn hành khách?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.