(HNM) - Với đà phát triển của xã hội và đời sống gia đình, bên cạnh mối quan tâm về nguồn dinh dưỡng tối ưu cho sự phát triển của con trẻ, nhiều bậc phụ huynh đang chia sẻ chung một mối lo ngại về thực trạng: trẻ chưa phát huy được kỹ năng sống (KNS) tốt.
Theo khảo sát mà Vnexpress đã thực hiện mới đây, 91% các bà mẹ Việt Nam đánh giá trẻ em có độ tuổi từ 1-6 tuổi có kỹ năng sống còn hạn chế.
Trẻ hình thành kỹ năng sống tốt hơn khi được cha mẹ khuyến khích tự do khám phá thế giới bên ngoài |
Tìm hiểu nguyên nhân vì sao
Những kỹ năng sống cơ bản của trẻ dưới 6 tuổi không chỉ bao gồm tính tự giác, dễ thích nghi, có mối quan hệ tốt với bố mẹ, những người thân trong gia đình mà còn bao gồm khả năng nhận biết cảm xúc, có sức đề kháng lại những tác động xấu của môi trường và hình thành lòng yêu mến thiên nhiên. Điều đáng lưu ý là thực trạng trẻ kém phát triển về kỹ năng sống đặc biệt phổ biến ở các gia đình thành thị. Nguyên nhân nằm ở đâu?
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh thì cách chăm sóc và dạy dỗ của các bậc phụ huynh chính là yếu tố quyết định đến sự phát triển một số các kỹ năng sống ban đầu của trẻ.
Theo ông, cách chăm sóc con trẻ của phụ huynh VN hiện nay có nhiều mâu thuẫn trong cách dạy, vừa nuông chiều lại vừa áp đặt. Nhất là còn mang nhiều tính bao bọc bằng cách hạn chế sự tiếp xúc của trẻ với thế giới bên ngoài để tránh các nguy cơ mắc bệnh, nhiễm bẩn; hay cấm đoán trẻ không được đụng chạm và khám phá các vật dụng do lo lắng trẻ bị tổn thương hoặc làm hư vỡ .. Bảo vệ trẻ là tốt, nhưng cần phải biết đâu là sự an toàn, đâu là sự tự chủ mà trẻ có thể đạt được qua các hoạt động khám phá môi trường xung quanh. Điều quan trọng nhất là không nên hạn chế không gian và điều kiện cho trẻ phát triển các kỹ năng sống cần thiết trong một môi trường mở.
Giúp trẻ phát triển KNS như thế nào?
"Trẻ hình thành được các kỹ năng sống cơ bản dễ dàng hơn khi có sự hướng dẫn đúng cách của cha mẹ. Trong đó, sự khích lệ, sự gợi mở của cha mẹ cho trẻ biết cách tìm tòi, khám phá các sự vật, những tác động và hướng dẫn giúp trẻ nhận biết những cảm xúc của bản thân hay biết nghe lời người lớn.. là những biện pháp hiệu quả để xây dựng kỹ năng sống của trẻ. Để làm được điều này, ngoài những tác động phù hợp , cha mẹ cần tạo điều kiện để trẻ khám phá thế giới xung quanh nhiều hơn." - Chuyên gia tâm lý Lê Khanh nhận định.
Các nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, trẻ nhỏ được tự do vui chơi ngoài môi trường thiên nhiên sẽ đạt được sự phát triển tốt hơn so với trẻ quá "bao bọc, ủ úm" trong gia đình. Cụ thể, trẻ không chỉ phát triển nhanh về các kỹ năng vận động mà còn có sự tự tin, bạo dạn, dễ kết bạn; trẻ cũng đạt được khả năng tư duy nhanh nhạy trong việc ghi nhận những điều mới lạ.. Những sự hình thành ban đầu của kỹ năng sống này sẽ là nền tảng tốt để trẻ đạt được khả năng phát triển toàn diện hơn khi trưởng thành.
Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn mang lại cho con những điều tốt nhất. Kỹ năng sống là điều mà bất cứ cha mẹ nào cũng có thể giúp con phát triển ngay từ nhỏ, chỉ cần cha mẹ biết vượt qua các rào cản trong quan niệm và chủ động áp dụng các phương pháp chăm sóc mới. Cùng trao đổi và chia sẻ ý kiến với các cha mẹ khác về đề tài này tại: www.webtretho.com/kynangsongchotrenho |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.