(HNMO) - Giữa tháng 5-2020, giá thịt lợn hơi lên gần 100.000 đồng/kg, sau đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan nên hiện nay, giá thịt lợn hơi giảm (dưới 90.000 đồng/kg), nhưng vẫn ở mức cao.
Trong khi đó, giá thịt lợn bán theo chuỗi liên kết được bình ổn, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Vậy, những yếu tố nào giúp thịt lợn theo chuỗi ổn định giá bán và tạo niềm tin với người tiêu dùng?
Giá thịt lợn hơi tăng nhẹ trở lại
Ngày 25-6, phóng viên Báo Hànộimới khảo sát một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố như: Thanh Oai, Quốc Oai, Đông Anh, Phú Xuyên… cho thấy, giá thịt lợn quay đầu tăng giá trở lại, dao động trong khoảng 90.000-92.000 đồng/kg, tăng 1.000-5.000 đồng/kg so với ngày 24-6.
Theo các chủ trang trại, giá thịt lợn hơi xuất chuồng ngày 24-6 tăng mạnh trở lại do bệnh Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục bùng phát ở một số địa phương và giá con giống tăng cao (hơn 3 triệu đồng/con) nên nông dân chưa dám tái đàn. Mặt khác, nguồn cung thịt lợn sống Thái Lan nhập khẩu chưa nhiều, cung chưa đủ cầu…
Trước đó, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương triển khai một loạt giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi thực hiện tái đàn. Thực tế, 65% nguồn cung thịt lợn trên thị trường đều từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại đang khó khăn về vốn duy trì sản xuất và chưa đáp ứng điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học. Hơn nữa, người chăn nuôi chưa dám tái đàn mạnh bởi lo ngại bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng chống, nguy cơ bùng phát trở lại rất cao.
Theo thống kê, mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ 5,4 triệu tấn thịt, trong đó có 3,8 triệu tấn thịt lợn (chiếm 70%). Để ổn định nguồn cung, riêng 5 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 67.638 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt lợn (tăng 298% so với cùng kỳ năm 2019) với 129 doanh nghiệp tham gia.
Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam cho phép nhập khẩu chính ngạch lợn sống từ các nước, nhưng dường như đến thời điểm này, cung vẫn chưa đủ cầu, người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian nên vẫn phải mua thịt lợn với giá cao, tăng gần 43%...
Chăn nuôi theo chuỗi phát triển ổn định
Khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường thịt lợn trải qua nhiều biến động. Năm 2017-2018 giá thịt lợn hơi có thời điểm xuống 18.000-20.000 đồng/kg, lợn giống chỉ có giá 200.000 đồng/con. Lúc đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gần như kiệt quệ.
Đến năm 2019, bệnh Dịch tả lợn châu Phi bùng phát khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phá sản với khoảng 6 triệu con lợn phải tiêu hủy (tương đương 340.000 tấn). Số lợn phải tiêu hủy vì bệnh Dịch tả châu Phi chiếm 1/10 tổng đàn lợn cả nước, ảnh hưởng tới nguồn cung…
Tuy nhiên, có một thực tế rõ ràng, dù giá biến động thì các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ thịt lợn vẫn duy trì ổn định. Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long (huyện Thanh Oai) cho biết, hiện nay, trang trại duy trì 400 con lợn nái và 5.000 lợn thương phẩm.
Để quản lý chất lượng sản phẩm, trang trại của ông Long đã thành lập chuỗi thực phẩm A-Z, chủ động từ con giống, chăm sóc, giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm cho các bếp ăn tập thể, siêu thị và cửa hàng giới thiệu sản phẩm của trang trại tại phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) với giá dao động 140.000-170.000 đồng/kg tùy từng loại. Có thời điểm, thịt lợn tại chợ được bán với mức giá 180.000-220.000 đồng/kg nhưng sản phẩm thịt lợn của chuỗi A-Z vẫn ổn định mức giá của trang trại.
Tương tự, ông Vũ Hoàng Anh - Chủ cửa hàng thực phẩm Nông Trang (quận Hà Đông) cho biết, hiện nay, toàn bộ chuỗi thực phẩm Nông Trang có 5 cửa hàng bán thực phẩm sạch và cung cấp thịt lợn cho các bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố. Với 100 con lợn nái và 1.000 con lợn thương phẩm được nuôi tại trang trại ở tỉnh Hòa Bình, mỗi ngày chuỗi thực phẩm Nông Trang cung cấp vài chục tấn thịt lợn sạch cho người tiêu dùng với giá ổn định 130.000-160.000 đồng/kg.
Theo ông Vũ Hoàng Anh, đây là sự “tri ân” với khách hàng thân thiết bởi có những lúc giá thịt lợn hơi 20.000 đồng/kg thì cửa hàng vẫn bán được giá hơn 100.000 đồng/kg. Từ cuối năm 2019, khi giá thịt lợn lên cao, cửa hàng vẫn bán giá được bình ổn nhằm “giữ khách” và trang trại phát triển bền vững bởi đã gây dựng được chữ “tín”...
Là khách hàng thân thiết của cửa hàng thực phẩm Nông Trang, bà Bùi Thị Lệ Thủy (ở phường Văn Quán, quận Hà Đông) chia sẻ: “Trước đây, tôi vẫn có thói quen mua thịt lợn ở chợ dân sinh, nhưng từ khi mua thịt lợn ở cửa hàng Nông Trang, tôi rất hài lòng bởi giá ổn định và sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”...
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, toàn thành phố có 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó 55 chuỗi liên quan đến động vật. Các chuỗi đều kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, bền vững; tránh tình trạng “được mùa, mất giá”. Điều này đã được minh chứng qua những giai đoạn xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.