Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao tai nạn lao động gia tăng?

Linh Nhi| 20/09/2012 06:45

(HNM) - Thời gian qua, mặc dù tổ chức Công đoàn (CĐ) cũng vào cuộc tích cực nhằm hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ) nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp với số vụ TNLĐ và CNLĐ bị tai nạn tăng cao. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Người lao động thiếu trang thiết bị bảo hộ an toàn, dẫn đến tình trạng tai nạn gia tăng. Ảnh: Trung Kiên

Những công nhân trên công trình xây dựng nhà ở dân dụng, công nghiệp, cầu đường... không chỉ phải chịu đựng cực nhọc mà còn phải đối mặt với nguy cơ cao về TNLĐ. Nhưng điều đáng nói là, trái ngược với những yêu cầu bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng cho NLĐ theo quy định, thì cảnh NLĐ phải đứng chênh vênh trên những giàn giáo đơn sơ, tạm bợ, hoặc làm việc trong tình trạng thiếu trang thiết bị an toàn vẫn diễn ra phổ biến. Công nhân Nguyễn Minh Hải đang tham gia thi công tại một công trình nhà văn hóa trên địa bàn phường Bồ Đề (quận Long Biên) cho biết, trước đây làm việc trong một công ty xây lắp của Hà Nội, nhưng nay, do đơn vị gặp khó khăn, thiếu việc làm nên phải "nhảy" ra ngoài làm thêm. Cuộc sống nay đây mai đó, ngủ nghỉ tạm bợ, ăn uống qua loa, TNLĐ có thể đến bất kỳ lúc nào. Hằng ngày, đứng trên chiếc giàn giáo "tự chế" bằng những thanh gỗ mỏng đã qua sử dụng nhiều lần, Hải luôn cảm thấy mất an toàn, nhưng vì mưu sinh nên không biết làm thế nào. Còn anh Nguyễn Xuân Ngọt, công nhân Công ty Công trình giao thông Hà Nội nói: Có những thời kỳ cao điểm, để bảo đảm tiến độ công trình giao thông, tôi và đồng nghiệp làm việc tới gần 20 giờ một ngày. Khi đó, chỉ cần lơ là công tác an toàn thì tai nạn rất dễ xảy ra và anh cũng đã chứng kiến nhiều vụ TNLĐ...

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, số vụ TNLĐ và chết người xảy ra trên địa bàn Hà Nội tăng cao so với năm 2011. Cụ thể là 142 vụ, khiến hơn 150 công nhân gặp nạn, trong đó 30 người chết (cả năm 2011 xảy ra 123 vụ tai nạn, 35 người chết).

Với tình trạng đáng báo động này, vai trò CĐ và các cơ quan, ban ngành chức năng thể hiện như thế nào? Ở CĐ xây dựng Hà Nội, nhằm bảo đảm sự an toàn cho NLĐ, CĐ ngành phối hợp với Trung tâm tư vấn pháp luật và các cơ quan về lao động, hằng tháng, quý, năm đều có hướng dẫn CĐ cơ sở thực hiện ATLĐ. Đồng thời, bằng nhiều biện pháp "lôi kéo" toàn bộ đội ngũ vệ sinh viên ATLĐ đến những buổi tập huấn, bổ trợ kiến thức, thậm chí cán bộ CĐ thường xuyên đến tận nơi giúp họ triển khai công tác này ở cơ sở. Thiết thực hơn, bà Đào Lan Anh, Chủ tịch CĐ ngành giao thông vận tải Hà Nội cho biết, sau nhiều năm đúc rút kinh nghiệm trong công tác bảo đảm ATLĐ, tháng 7 vừa qua, CĐ ngành tổ chức Hội thi tuyên truyền viên giỏi về lĩnh vực này cho đối tượng là các cán bộ vệ sinh viên ở tất cả 35 CĐ cơ sở trực thuộc. Qua đó giúp cán bộ vệ sinh viên có thêm kiến thức, kỹ năng trong việc tuyên truyền, xử lý các tình huống nhằm bảo đảm an toàn cho NLĐ. Thực tế hằng năm, các cấp CĐ TP Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành hơn 500 cuộc kiểm tra về công tác này. Mạng lưới an toàn vệ sinh viên với gần 31.000 người đã được các tổ chức CĐ luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho NLĐ. Ngoài ra, LĐLĐ TP và các CĐ cơ sở tham gia với chính quyền đồng cấp điều tra, kết luận các vụ tai nạn theo quy định, trong đó giải quyết thỏa đáng 100% số vụ TNLĐ gây chết người bảo đảm quyền lợi của NLĐ và gia đình họ.

Dù các cấp CĐ đã nỗ lực với nhiều việc làm thiết thực, nhưng vì sao số vụ TNLĐ không giảm? Trả lời câu hỏi này, ông Tạ Văn Dưỡng, Phó ban Chính sách pháp luật LĐLĐ Hà Nội cho biết, kiểm tra thực tế, hầu hết tai nạn đều "rơi" vào đối tượng công nhân ở các lĩnh vực xây lắp, xây dựng làm việc ở các công ty tư nhân, chưa có tổ chức CĐ. Đây là cái khó của CĐ, bởi dù rất cố gắng, nhưng CĐ vẫn "vướng" khi "đến" với các đơn vị dân doanh. Nguyên nhân chủ yếu là sự thiếu hợp tác của chủ DN và sự thiếu hiểu biết của NLĐ. Cả chủ và thợ đều né tránh khi CĐ vào tuyên truyền, vận động thực hiện ATLĐ.

Rõ ràng, dù ở góc độ nào, được giải quyết thỏa đáng hay không, khi xảy ra TNLĐ, mọi thiệt thòi vẫn thuộc về NLĐ. Để giảm thiểu thực trạng này, ngoài việc tích cực tham gia của tổ chức CĐ, nâng cao nhận thức NLĐ về ATLĐ, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những đơn vị không thực hiện đầy đủ công tác bảo đảm ATLĐ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao tai nạn lao động gia tăng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.