(HNMO) - Thời gian gần đây, người dân Thủ đô tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được tăng mức hỗ trợ đóng, cao gấp 2 lần so với quy định chung. Tuy nhiên, số người tham gia chính sách này vẫn tăng không đáng kể, thậm chí giảm tại một số địa phương, vậy lý do vì sao?
Số người tham gia tăng chậm
BHXH tự nguyện hướng đến nhóm lao động làm những công việc tự do, không có hợp đồng lao động tiếp tục được các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội triển khai sâu rộng, đồng thời bổ sung chính sách hỗ trợ cho người tham gia.
Ngoài chính sách hỗ trợ mức đóng theo quy định chung, ngày 6-7-2022, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND về quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền. Theo đó, trong thời gian từ ngày 1-8-2022 đến hết ngày 31-12-2025, người dân thuộc hộ nghèo ở Hà Nội tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hỗ trợ 60% mức đóng, hộ cận nghèo được hỗ trợ 50% mức đóng, người lao động bình thường được hỗ trợ 20% mức đóng (quy định chung có mức hỗ trợ lần lượt là 30%, 25% và 10%).
Triển khai Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND, quận Long Biên chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách và huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ 100% mức đóng cho người lao động là thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 8-2022 đến hết tháng 12-2025. “Nhờ được tiếp cận chính sách BHXH tự nguyện với mức đóng 0 đồng, từ tháng 8-2022 đến nay, toàn quận có hơn 300 người là thành viên thuộc hộ cận nghèo có tên trên hệ thống BHXH”, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Long Biên Trần Thị Hoài Hương cho hay.
Ngoài quận Long Biên, huyện Mê Linh vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ 100% mức đóng BHXH tự nguyện cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện khi đăng ký tham gia chính sách này trong 2 tháng cuối năm nay. Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, để chính sách hỗ trợ đến đúng người, đối tượng thụ hưởng, huyện đã tiến hành khảo sát và kết quả có 1.203 trường hợp đủ điều kiện hỗ trợ đợt này. Kinh phí dự kiến là hơn 394 triệu đồng, trích từ ngân sách địa phương và Quỹ “Vì người nghèo” cấp huyện, xã, thị trấn.
Nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Nội cũng đang xây dựng kế hoạch để có thể hỗ trợ thêm mức đóng BHXH tự nguyện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Mặc dù vậy, số người tham gia chính sách này tăng chậm, kết quả đạt được còn xa so với mục tiêu “tính đến ngày 31-10-2022, toàn thành phố có 68.350 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 5.000 người so với thời điểm cuối năm 2021, đạt 62,76% kế hoạch năm.
"Để hoàn thành mục tiêu, trong thời gian còn lại của những tháng cuối năm, Hà Nội cần phát triển thêm hơn 40.000 người tham gia chính sách, gấp nhiều lần so với con số đạt được từ đầu năm đến nay, nên rất khó thực hiện”, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật trăn trở.
Chung nỗi niềm, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho hay: “Hiện toàn quận mới có hơn 1.600 người tham gia BHXH tự nguyện, giảm 215 người so với thời điểm cuối năm trước”.
Hãy vì lợi ích lâu dài
Thực tế cho thấy, hiếm có chính sách nào được hỗ trợ mức đóng cao, người dân chỉ phải bỏ ra số tiền nhỏ hằng tháng để được bảo vệ bởi lưới an sinh lâu dài, bền vững như BHXH tự nguyện. Bởi, theo các quy định hiện hành, tại thời điểm này, người dân Hà Nội thuộc hộ nghèo tham gia BHXH tự nguyện chỉ đóng tối thiểu 132.000 đồng/người/tháng; người thuộc hộ cận nghèo đóng tối thiểu 165.000 đồng/người/tháng, thậm chí người dân ở một số địa phương còn không phải đóng tiền trong thời gian nhất định. Các trường hợp khác cũng chỉ phải đóng tối thiểu 264.000 đồng/người/tháng, tương ứng với một ngày công của lao động phổ thông. Trong khi đó, mức sống, thu nhập của người dân Thủ đô cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Vậy tại sao việc phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn Hà Nội lại gặp rất nhiều khó khăn?
Từ kinh nghiệm triển khai, Giám đốc BHXH quận Nam Từ Liêm Lê Mạnh Quân cho rằng, số người tham gia BHXH tự nguyện chưa thu hút nhiều người dân tham gia vì nhiều lý do. Thời gian đóng dài, hiện lên tới 20 năm, khiến người tham gia chưa nhìn rõ những lợi ích. Hơn nữa, chính sách chưa có các chế độ ngắn hạn đi kèm như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nên chưa thực sự hấp dẫn. Về phía người tham gia, những trường hợp khó khăn thì không đủ khả năng tham gia trong hành trình dài, còn những người có thu nhập đều đặn, nếu có nhu cầu tham gia bảo hiểm, họ thường lựa chọn những gói thấy rõ lợi ích trước mắt...
Đồng quan điểm, Giám đốc BHXH huyện Thường Tín Trần Việt Trang kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi chính sách BHXH tự nguyện theo hướng rút ngắn thời gian đóng, bổ sung các chế độ ngắn hạn. Đối với các trường hợp khó khăn, các bên nên hỗ trợ 100% mức đóng cho họ trong suốt quá trình tham gia…
Về nội dung này, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật nhấn mạnh, việc sửa đổi chính sách đã, đang được nhiều cơ quan cùng thực hiện, nếu thay đổi thì sẽ áp dụng sau. Còn hiện tại, các cơ quan chức năng, trực tiếp là lực lượng cán bộ, nhân viên ngành BHXH, nhân viên các tổ chức dịch vụ thu cần đưa chính sách vào đời sống bằng nhiều hình thức linh hoạt, khả thi, chú trọng tuyên truyền theo hình thức 1-1 (một cán bộ và một người dân), giúp mỗi người hiểu rõ hơn về chính sách để chủ động tham gia.
Nội dung tuyên truyền cần làm rõ để người dân hiểu được BHXH tự nguyện là chính sách của nhà nước, vì mục đích bảo đảm an sinh xã hội trong dài hạn, tương tự như BHXH bắt buộc. Tham gia chính sách này, người dân có lương hưu từ thời điểm đến tuổi nghỉ hưu theo quy định cho đến khi qua đời, thời gian hưởng có thể kéo dài gấp 1,5 đến 2 lần thời gian đóng. Cùng với đó, người dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để khám, chữa bệnh trong suốt quá trình hưởng lương hưu với mức chi trả lên tới 90% chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, cao hơn mức hưởng của những người đang làm việc.
“Hiện không có gói bảo hiểm nào khác ngoài BHXH do Đảng, Nhà nước triển khai có chính sách tiền lương hưu không giới hạn thời gian hưởng và chi trả khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế không giới hạn số tiền hưởng”, ông Vũ Đức Thuật khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.