Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao sàn giao dịch vận tải chưa phát huy hiệu quả?

Lương Ninh Giang| 17/03/2017 07:17

(HNM) - Sàn giao dịch vận tải đầu tiên mang tên VinaTrucking ra đời tháng 12-2015, với sự chuẩn bị chu đáo và được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích, từng bước đưa giá cước vận tải trở về với giá trị thực, hạn chế tình trạng xe chạy “rỗng” chiều về.

Hướng tới công khai, minh bạch, giảm giá cước

Sau quá trình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tháng 12-2015, SGDVT VinaTrucking chính thức được lãnh đạo Bộ GT-VT bấm nút đưa vào hoạt động. Sự kiện được kỳ vọng là “một mũi tên trúng nhiều đích” tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trong vận tải hàng hóa, giúp tăng hiệu suất vận chuyển, giảm chi phí lưu thông, đồng thời góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. Về cơ chế hoạt động, SGDVT là nơi những đơn vị kinh doanh vận tải tham gia để chào bán dịch vụ vận tải. Người bán là các đơn vị kinh doanh vận tải có thể giới thiệu, quảng bá năng lực, chính sách thị trường và thương hiệu của mình. Các đơn vị này sẽ đăng tải nhu cầu tìm kiếm khối lượng hàng hóa để vận chuyển, đặc biệt là tìm kiếm hàng hóa chiều về để giảm xe chạy “rỗng” như hiện nay. Đối với chủ hàng, họ có thể đăng thông tin nhu cầu vận tải của mình theo từng tuyến đường như: Khối lượng, quy cách đóng gói, thời gian vận chuyển… thông qua phần mềm quản lý của SGDVT...

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định, hiện nhiều chủ hàng phải thông qua các khâu trung gian mới tiếp cận với bên vận tải và ngược lại. Còn khi qua sàn sẽ tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch, tạo môi trường dịch vụ lành mạnh, công bằng. Nó phản ánh đúng thực chất và giảm chi phí lưu thông trong nền kinh tế.

Theo ông Hoàng Quang Ngọc, Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Hà (Hà Nội), từ trước đến nay tỷ lệ chạy “rỗng” chiều về của các doanh nghiệp luôn ở mức 60-70%. Thậm chí ở các tuyến ngắn dưới 300km tỷ lệ này thường là 100%. Chi phí này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng dịch vụ vận tải. Nếu phải chạy chuyến hàng một chiều thì người có nhu cầu vận chuyển sẽ phải chịu toàn bộ chi phí chiều “rỗng”. Tận dụng được chạy hai chiều có hàng, chi phí cước vận tải sẽ giảm được 30-40%.

Đối mặt với tình trạng khan “hàng”

Lợi ích thấy rõ như vậy, tuy nhiên đến nay sau hơn một năm hoạt động, lượng hàng hóa được giao dịch trên sàn vẫn rất hạn chế. Ông Tạ Công Thuận, Tổng Giám đốc sàn VinaTrucking cho biết, sàn đã thu hút khoảng 700 thành viên tham gia, trong đó phần lớn thành viên là chủ xe, còn lại là chủ hàng và thành viên vãng lai. Thế nhưng, tổng số giao dịch trên sàn mới đạt khoảng trên 600, trong đó chỉ có khoảng gần 90 giao dịch thành công. Có một thực tế đáng buồn là thời gian qua sàn luôn xuất hiện tình trạng khan hàng hóa. Nguyên nhân chủ yếu là do sàn chưa tạo được sự tin tưởng giữa các thành viên tham gia, khiến xe và hàng chưa gặp nhau. Qua tìm hiểu từ một số doanh nghiệp cho thấy, việc bắt buộc phải đăng ký tài khoản mới được giao dịch trên sàn khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà, nhiều người nghi ngại việc kiểm soát thông tin đăng tải trên sàn giao dịch cũng như chế tài xử lý nếu các doanh nghiệp vi phạm.

Theo ông Trần Quốc Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hoàn Cầu (Hải Phòng), sở dĩ các giao dịch trên sàn chưa hấp dẫn là do chủ hàng và chủ xe không muốn công khai minh bạch khối lượng hàng hóa, giá cước, khả năng vận chuyển vì sợ lộ bí mật kinh doanh, bị cướp mối hàng.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ sàn VinaTrucking, như tư vấn và hướng dẫn các biểu mẫu thống kê, phối hợp với các hiệp hội vận tải, hiệp hội logistics để tuyên truyền giới thiệu hoạt động của sàn. Nhưng, để sàn hoạt động hiệu quả cần có sự vào cuộc quyết liệt từ chủ sàn, chủ hàng, doanh nghiệp vận tải. Doanh nghiệp quản lý sàn cần có bộ phận kết nối, chủ động tìm nguồn hàng, phân tích dự liệu nguồn hàng, số lượng, khối lượng, giá cả, lộ trình vận chuyển… để đưa lên sàn giao dịch và gửi đến doanh nghiệp vận tải, chủ hàng.

Một số chuyên gia đề xuất, hạn chế của việc chào giá trên sàn điện tử thường giá cả không chính xác. Vì vậy, để tạo động lực và lấy được niềm tin của khách hàng, thông tin mà các doanh nghiệp đưa lên mạng giao dịch điện tử phải được kiểm soát. Trong trường hợp doanh nghiệp vận tải có sai phạm, khách hàng có quyền phản ánh và phải có chế tài, quy định để xử lý nghiêm sai phạm đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao sàn giao dịch vận tải chưa phát huy hiệu quả?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.