Cái vị cay xè của ớt thực ra là một mẹo tiến hóa được dùng để chặn đứng các con thú định ăn quả và phá hủy hạt của chúng. Nhưng khéo thay, tạo hóa vẫn còn chừa lại loài chim, vốn "tỉnh bơ" trước vị cay, có thể ăn được thứ quả khó nuốt này và truyền nòi giống của ớt đi xa hơn. Điều này giúp bảo đảm sự sống còn của họ nhà ớt.
Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Montana và Đại học Bắc Arozina (Mỹ) đã tìm thấy trong ớt chất capsaicin khiến nó có vị cay nóng đặc biệt. Chất này kích thích các vùng da và lưỡi, vốn là nơi cảm nhận cái nóng và đau, đánh lừa não rằng nó đang "đốt cháy" da. Capsaicin khiến thú phải chạy xa nhưng lại không hề hấn gì với chim.
Khi tìm hiểu thói quen ăn uống của động vật sống xung quanh vùng có nhiều ớt mọc ở miền Nam Arizona, người ta đã thấy chuột và các loài gặm nhấm sa mạc không hề động đến thứ quả này nhưng lại chén ngon lành các hoa quả khác. Trong khi đó, chim gần như độc quyền với món ớt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.