Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao nước sinh hoạt có “màu lạ, mùi lạ”?

Bài, ảnh: Dạ Khánh| 25/02/2016 07:31

(HNM) - Tòa nhà Sông Hồng Parkview (số 165 Thái Hà, quận Đống Đa) được hình thành từ dự án cải tạo chung cư cũ Nam Thành Công I1, I2, I3 đã xuống cấp nghiêm trọng. Gần đây, chúng tôi nhận được thông tin của cư dân đang sinh sống tại đây phản ánh chất lượng nước không bảo đảm cho ăn uống, sinh hoạt.

Tòa nhà Sông Hồng Parkview.


Được biết, sau cải tạo, tòa nhà Sông Hồng Parkview gồm 2 khối nhà chung cư 24 tầng (tòa A và tòa B); 1 tòa nhà văn phòng 14 tầng; 3 tầng hầm, 1 tầng lửng và 1 tầng tum. Hiện cụm chung cư này có 426 hộ dân sinh sống. Công ty CP Quản lý và khai thác tòa nhà PMC là đơn vị đảm trách việc vận hành và quản lý tòa nhà.

Từ tháng 10-2015, nhiều người dân ở đây khi mở vòi nước đã chứng kiến nước chứa nhiều cặn vẩn đục màu vàng, đen. Khi phản ánh đến Ban quản lý tòa nhà, người dân được trả lời, nguồn nước sinh hoạt các hộ đang sử dụng được cung cấp bởi Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa. Các bể chứa nước được thiết kế riêng biệt, cách xa khu vực khác của hệ thống nước thải và được thau rửa thường xuyên. Tuy nhiên, khi các hộ tự lấy nước, cũng như mời đại diện Ban quản lý tòa nhà đến chứng kiến, lấy mẫu nước tại các điểm đem đi xét nghiệm chỉ tiêu hóa lý và chỉ tiêu vi sinh, thì kết quả cho thấy nhiều chỉ số vượt quá quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước ăn uống).

Tìm hiểu, chúng tôi được biết theo thiết kế, Sông Hồng Parkview có 2 bể chứa ngầm: Tòa A bể chứa 150m3, tòa B bể chứa 200m3; 4 bể chứa mái, dung tích mỗi bể 20m3. Trả lời thắc mắc của các cư dân về sự cố ô nhiễm nguồn nước sau khi các cư dân cung cấp kết quả do cư dân tự mang đi xét nghiệm, Công ty CP Quản lý và khai thác tòa nhà PMC cho biết: Do văn bản cư dân cung cấp là bản phô tô nên chưa có xác minh được tính chất và nội dung.

Hiện, PMC đang quản lý nhiều dự án tại Hà Nội và chất lượng nước là do thành phố cung cấp. Việc lấy thí nghiệm nước của cư dân cần theo quy trình chuyên nghiệp và chuẩn. Theo luật, chủ đầu tư chịu trách nhiệm ký kết với công ty nước sạch và định kỳ có kiểm tra nguồn nước với các cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, ông Đỗ Văn Cường - Giám đốc Ban quản lý tòa nhà còn nhấn mạnh: "Hiện Ban quản lý đã thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh các vấn đề về quản lý nguồn nước, bảo dưỡng hệ thống bơm, vệ sinh thau bể ngầm, bể chứa mái và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình khép kín bơm tuần hoàn…; thực hiện việc kiểm định chất lượng nước vào đầu tháng 10-2015, kết quả đạt theo quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT".

Nước sinh hoạt có màu vàng và cặn bẩn…


Trong khi đó, kết quả kiểm nghiệm nước sinh hoạt, ăn uống do Thanh tra Sở và Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội lấy mẫu ngày 3-12-2015 lại chỉ rõ: Nguồn cấp nước vào chung cư đạt quy chuẩn. Với những mẫu còn lại (sau đồng hồ tổng do chung cư quản lý), tại các bể ngầm, bể mái cũng như tại một số hộ dân không đạt chỉ tiêu về hóa học và vi sinh. Do vậy, Thanh tra Sở Y tế yêu cầu Ban quản lý, chủ đầu tư tòa nhà khẩn trương thau rửa các bể ngầm, bể mái, hệ thống cấp nước theo đúng quy trình kỹ thuật.

Chưa hết, cuối năm 2015, người dân nhận thấy nguồn nước sinh hoạt tại gia đình khi xả ra có màu đen kịt, mùi tanh như nước cống. Ông Lê Anh Tuấn (P2301 Tòa A) bức xúc: Nước cặn bẩn, các chỉ tiêu sinh hóa không bảo đảm nên nhà tôi không dám nấu nướng bằng nước do chung cư cung cấp, thường xuyên phải mua nước đóng bình để ăn uống. Không chỉ không bảo đảm cho ăn uống hằng ngày, nước bẩn còn tấn công các thiết bị: máy lọc nước, máy giặt, bình nóng lạnh… của các gia đình.

Trước sự vào cuộc của Thanh tra Sở Y tế, cũng như với việc kiểm tra, lấy mẫu của Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa cho kết quả tương tự, đầu năm 2016, Công ty CP Quản lý và khai thác tòa nhà PMC đã phải tiến hành thau rửa lại các bể chứa nước. Tuy nhiên, phản ánh với phóng viên, người dân cho biết, sau đó, nước xả ra vẫn có màu vàng như nước bồ kết. Việc lấy mẫu xét nghiệm lại các chỉ tiêu sinh hóa, vi sinh cũng chưa được Công ty CP Quản lý và khai thác tòa nhà PMC tiến hành.

Vì sao nước sinh hoạt có "màu lạ, mùi lạ"? Những lo lắng của các hộ dân tòa nhà này vẫn còn đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao nước sinh hoạt có “màu lạ, mùi lạ”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.