Hồ sơ

Vì sao nước Bỉ đứng trước nguy cơ tan vỡ?

Theo Báo Tin tức 23/07/2023 - 08:40

Mối lo ngại gia tăng về vấn đề di cư đang thúc đẩy làn sóng ủng hộ các đảng đòi độc lập của cộng đồng nói tiếng Hà Lan ở Bỉ trước thềm cuộc bầu cử vào năm tới.

Theo trang Politico, quốc gia Tây Âu nhỏ bé, nơi đặt trụ sở chính của EU và NATO, từ lâu đã có một đời sống chính trị quốc gia rối loạn. Họ đang giữ kỷ lục thế giới về thời gian thành lập chính phủ lâu nhất trong các cuộc đàm phán liên minh - hơn 500 ngày.

Giờ đây, những căng thẳng giữa người Flanders nói tiếng Hà Lan ở phía bắc và người Wallonia nói tiếng Pháp ở phía nam đất nước có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều.

Các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 6-2024. Theo thăm dò ý kiến ​​của tờ Politico, đảng Vlaams Belang cực hữu - muốn biến Flanders thành một nhà nước ly khai, độc lập hoàn toàn - hiện là lực lượng chính trị lớn nhất trong nước.

Cuộc "hôn nhân" ép buộc?

Tom Van Grieken, người trở thành Chủ tịch đảng này khi mới 28 tuổi và là nhân vật chủ chốt dẫn đến thành công gần đây của Vlaams Belang, đã khẳng định chắc chắn về kế hoạch tách ra độc lập nếu giành chiến thắng.

“Chúng tôi tin rằng Bỉ là một cuộc hôn nhân ép buộc", ông Van Grieken nói. “Nếu một trong số họ muốn ly hôn, chúng ta sẽ nói chuyện đó với tư cách người lớn… Chúng ta phải đi đến một sự phân chia có trật tự. Nếu họ không muốn ngồi vào bàn đàm phán, chúng tôi sẽ đơn phương làm điều đó”.

Nhưng đối với nhiều người trong số 12,6 triệu cư dân của đất nước, viễn cảnh chia tách sắp xảy ra của đất nước có thể gây ngạc nhiên. Bởi những xung đột cam go giữa miền bắc nói tiếng Hà Lan và miền nam nói tiếng Pháp đã nguội lạnh trong những năm gần đây.

Chú thích ảnh
 Bản đồ nước Bỉ với hai vùng Flanders, nói tiếng Hà Lan, ở miền bắc và Wallonia, nói tiếng Pháp, ở miền nam.

Các công dân Flanders nói tiếng Hà Lan, từng là kẻ thua cuộc mặc dù đông hơn những người nói tiếng Pháp, giờ đây có quyền ngôn ngữ và năng lực chính trị mà họ yêu cầu từ lâu. Trong phạm vi nhà nước liên bang của Bỉ, các vùng hiện có quyền hạn rộng rãi đối với việc cung cấp giáo dục, chính sách nông nghiệp và giao thông.

Karl Drabbe, một chủ nhà xuất bản có nguồn gốc từ phong trào Flanders, cho biết: “Điều đó đã không dẫn đến những bước nhảy vọt về phía trước, mà ngược lại".

Phe cực hữu lớn mạnh

Nhưng các nhà lãnh đạo của đảng Vlaams Belang không chỉ dựa vào chính sách ủng hộ độc lập của họ để nhận được sự ủng hộ.

Trên khắp EU, phe cực hữu đã gia tăng sức mạnh trong những tháng gần đây khi khối này phải vật lộn với vấn đề nhập cư, tăng trưởng chậm và lạm phát cao.

Bỉ là một trong những quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với dòng người xin tị nạn lớn, với số lượng tương đương với cuộc khủng hoảng di cư năm 2015.

Ở Flanders, di cư được coi là mối quan tâm số một của cử tri, theo một nghiên cứu gần đây. Nicolas Bouteca, Phó Giáo sư tại Đại học Ghent cho biết: “Vlaams Belang nắm chủ đề di cư, điều rất quan trọng đối với nhiều cử tri Flemish. Đó là lý do chính cho sự thành công của họ”.

Đối với ông Bart De Wever, chủ tịch đảng N-VA theo chủ nghĩa dân tộc Flemish, “xu hướng tương tự đang diễn ra trên khắp châu Âu ngay lúc này".

Ông nói với Politico rằng có “một làn sóng bất an lớn” trong những công dân cảm thấy họ “bị chính giới tinh hoa bỏ rơi về mặt kinh tế”. “Và bạn có thể thấy điều đó thật không công bằng, nhưng cực hữu đang bị lợi dụng”, ông Wever nói.

Trong các cuộc thăm dò, đảng của ông, N-VA, hiện là đảng lớn thứ hai ở Flanders, sau Vlaams Belang.

Các cử tri tiềm năng cho Vlaams Belang coi di cư là vấn đề chính trị quan trọng nhất, tiếp theo là thuế và nền kinh tế. Theo nghiên cứu tương tự, một cuộc cải cách của nhà nước Bỉ còn ít liên quan hơn nhiều đối với họ.

Nước Bỉ đã được tạo ra một cách hỗn loạn, không có kế hoạch. Và có thể nào sự sụp đổ của đất nước theo cách tương tự, do các cử tri chỉ muốn giải quyết vấn đề di cư?

Ông Van Grieken nói rằng không ai có thể không chú ý đến sự ủng hộ của đảng đối với nền độc lập của Flander. “Không phải là mọi người không biết. Đó là điểm đầu tiên trong chương trình của chúng tôi". Ông nói và thừa nhận rằng không phải mọi cử tri của ông đều xúc động trước ý tưởng độc lập. “Nhưng tôi biết rằng ai đó chống độc lập sẽ không bỏ phiếu cho đảng của tôi, hoặc cho N-VA”.

Con đường "ly hôn"

Chiến lược của Van Grieken là trở thành đảng lớn nhất ở Flanders trong cuộc bầu cử vào tháng 6 năm tới - điều này sẽ mang lại cho ông đặc quyền chọn đối tác liên minh của mình cho chính phủ Flander. Lý tưởng nhất với ông, đối tác đó sẽ là N-VA. Sau đó, chính phủ Flanders sẽ đưa ra tuyên bố chủ quyền để buộc các đối tác liên minh nói tiếng Pháp đàm phán chấm dứt đất nước Bỉ như hiện tại.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Alexander De Croo đã phải vật lộn để giữ cho các đảng trong liên minh cầm quyền có chung quan điểm trong nhiều vấn đề quan trọng. Ảnh: Getty Images

Đương nhiên có những rào cản, ngay cả khi Van Grieken thắng cử. Trong nội bộ đảng N-VA, có sự bất đồng gay gắt về việc có nên thành lập chính phủ với Vlaams Belang hay không. Một động thái như vậy sẽ phá vỡ cam kết hàng chục năm qua của giới chính trị Bỉ là không cầm quyền theo chính sách cực hữu. Ngay cả khi đảng N-VA thực hiện bước định mệnh là hợp tác với phe cực hữu, thì phe nói tiếng Pháp của nền chính trị Bỉ có thể sẽ vắng mặt trên bàn đàm phán, ít nhất là trong thời gian đầu.

Tuy nhiên, mỗi bước đi trong những bước này sẽ tạo ra sự bất ổn chính trị hơn nữa ở Bỉ và điều đó tự nó có thể giúp thúc đẩy viễn cảnh chia tách.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, người đang lãnh đạo một liên minh bảy đảng đầy khó khăn, đã lên nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2019. Cuộc bỏ phiếu đó được nối tiếp bởi 500 ngày "quanh co" tìm kiếm một thỏa thuận liên minh và ông De Croo đã phải vật lộn để giữ cho các đảng cầm quyền có cùng quan điểm về các vấn đề chính kể từ đó.

Sự suy giảm hơn nữa của các đảng lớn trong cuộc bầu cử năm tới sẽ khiến việc thành lập một chính phủ liên minh quốc gia thậm chí còn khó khăn hơn. Ivan De Vadder, một phóng viên chính trị kỳ cựu, người đã viết nhiều cuốn sách về chính trị Bỉ, lo ngại điều này sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn.

Ông Vadder nói: “Hầu hết mọi người nhìn vào chính phủ Flanders, bởi vì bạn có thể nói về những nước đi đó bằng những thuật ngữ cờ vua dễ hiểu. Đối với tôi, những gì sẽ xảy ra ở cấp liên bang sẽ bùng nổ hơn nhiều. Sự tồn vong của Bỉ sẽ gây phản ứng bùng nổ hơn nhiều so với ý tưởng Flanders tuyên bố độc lập”.

Còn ông Van Grieken đưa ra quan điểm: “Không phải vì có một đảng dân tộc Flanders mà nước Bỉ đang nổ tung. Chính vì nước Bỉ không ổn định nên mới có một đảng dân tộc Flanders”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao nước Bỉ đứng trước nguy cơ tan vỡ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.