(HNM) - Đầu tháng 12-2014, công trình cung cấp điện chuẩn bị cho dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 1 chính thức được khởi công, đánh dấu bước quan trọng trong lộ trình phát triển ĐHN của Việt Nam. lĩnh vực khoa học.
Địa điểm xây nhà máy là tối quan trọng
Theo Trung tâm Thông tin năng lượng nguyên tử: Chọn mặt bằng để đặt nhà máy ĐHN là một nhiệm vụ phức tạp mang tính tổng thể. Để giải quyết điều này cần phải tính đến nhu cầu năng lượng hiện tại và tương lai của khu vực. Sẽ không có ý nghĩa nếu xây nhà máy ĐHN ở nơi mà điện làm ra không ai cần. Cũng cần lưu ý rằng, chế độ vận hành các nhà máy ĐHN hiện đại không cho phép thường xuyên tạm dừng vận hành mà chúng chỉ tạm dừng sửa chữa định kỳ hay có sự cố.
Khảo sát mặt bằng tại khu vực được chọn xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 |
Ngoài ra, các yếu tố làm ảnh hưởng đến an toàn nhà máy ĐHN cũng được tính toán kỹ lưỡng, như: Các yếu tố tự nhiên (địa lý, địa chấn, khí hậu, thủy văn...) và các yếu tố có thể nguy hiểm do con người gây ra (các cơ sở công nghiệp lớn và máy bay rơi...). Sở dĩ cần phải xem xét các yếu tố như vậy vì: Các nhà máy ĐHN (đặc biệt là vùng hoạt động lò phản ứng) cần có độ vững chắc và ổn định cơ học cao, không nhạy cảm với những thay đổi cho phép của các thông số vận hành. Vì vậy, nhà máy cần được xây dựng trên một nền móng chắc, không bị ảnh hưởng bởi động đất và việc hư hỏng của các cơ sở công nghiệp khác cũng như máy bay rơi. Ví dụ: Một trong số các nguy hiểm bên ngoài cần được ngăn ngừa là hiện tượng địa chấn do thảm họa động đất. Người ta phòng ngừa động đất cho nhà máy ĐHN bằng hai phương pháp: Bố trí nhà máy ở xa vùng có các vết nứt động đất và các vấn đề khác như nhạy cảm đối với việc hóa lỏng thổ nhưỡng hay trượt giữa các lớp địa tầng; thiết kế nhà máy trên trọng tải rung do động đất được dự đoán trước, theo kinh nghiệm lịch sử và các số liệu về hoạt động kiến tạo. Về tầm quan trọng của địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN có thể minh chứng qua hai vụ việc xảy ra tại Armenia và Iran gần đây.
Ông Sergei Novikov, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) cho biết: Tôi xin lấy ví dụ về trận động đất khủng khiếp ở Armenia năm 1988 làm chết khoảng 2,5 vạn người và nhiều đô thị bị xóa xổ, nhưng nhà máy ĐHN Metsamor (với 2 lò phản ứng mẫu VVER-440) vẫn đứng vững. Đó là nhờ có việc khảo sát địa điểm đã chọn ra một khu vực rộng 2km2 nằm trên một phiến đá granit nguyên khối. Hơn nữa, các công trình chứa lò phản ứng được xây dựng trên một hệ thống chống sốc thủy lực khổng lồ. Ngay khi có những chấn động đầu tiên, nhà máy đã tự động ngắt vận hành. Tới năm 1995, lò phản ứng thứ hai đã được nối trở lại vào lưới điện và gần như trở thành nguồn cung điện năng duy nhất của Armenia, bởi hầu hết các nguồn năng lượng khác đã ngừng hoạt động.
Gần đây hơn, ngày 28-11-2013, trận động đất xảy ra tại khu vực phía nam Iran, có tâm chấn cách Bushehr 63km (nơi đặt nhà máy ĐHN cùng tên) về phía đông bắc. Trận động đất có sức phá hoại lớn vì tâm chấn chỉ cách mặt đất 16,4km. Tuy nhiên, động đất không làm ảnh hưởng tới lò phản ứng hạt nhân do Nga xây dựng mà nhà máy điện vẫn hoạt động bình thường. "Nhân viên tại nhà máy Bushehr vẫn tiếp tục làm việc bởi không ai cảm thấy dư chấn, mặc dù tâm chấn ở gần và gây ra thiệt hại lớn cho các công trình khác" - ông Sergei Novikov nói.
Ninh Thuận hội tụ đủ các điều kiện
Việt Nam đã quyết định xây nhà máy ĐHN đầu tiên tại xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận). Dự kiến công trình này sẽ khởi công trong năm 2020 và có thể hòa lưới điện quốc gia tổ máy đầu tiên năm 2024. Nga được chọn là đối tác xây nhà máy này.
Theo PGS. TS Vương Hữu Tấn (Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân - Bộ KH&CN), việc chọn điểm xây nhà máy ĐHN là vấn đề quan trọng bảo đảm an toàn cho nhà máy. Quá trình này, căn cứ trên ba nhóm tiêu chí chính, gồm: Yếu tố tự nhiên có thể làm mất an toàn cho nhà máy, như động đất, núi lửa, sóng thần... phải được nghiên cứu cẩn thận trong thời gian dài; các yếu tố do con người gây ra có thể làm mất an toàn cho nhà máy. Ngoài ra, yếu tố ảnh hưởng của nhà máy đối với cộng đồng dân cư trong trường hợp nhà máy hoạt động bình thưòng hoặc khi nhà máy xảy ra sự cố cũng được tính đến. Với yêu cầu trên, các cơ quan chuyên môn của Việt Nam với sự tư vấn của các chuyên gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Nga và IAEA đã chọn tỉnh Ninh Thuận.
Theo Viện Vật lý địa cầu (IGP), ngoài khơi khu vực Nam Trung Bộ, cách bờ biển khoảng 150km có dải đứt gãy có thể gây ra động đất. Một vài năm gần đây, dải đứt gãy này gây ra một số trận động đất mạnh 4,7-5 độ richter. Trong quá trình chuẩn bị dự án ĐHN, IGP được mời tham gia vào việc khảo sát khu vực này. Việc khảo sát không dừng lại ở việc đánh giá nền đất, địa chất, đánh giá khả năng xảy ra động đất mà còn quan tâm cả tới khả năng bị ảnh hưởng bởi động đất từ các nơi khác lan đến. IGP cũng đánh giá mọi rủi ro về động đất, sóng thần cũng như các tác động địa chất khác ở khu vực xây Nhà máy ĐHN Ninh Thuận và thấy, cường độ động đất ở đây dù đạt cực đại ít gây hậu quả trong khoảng cách 100-200km nên không ảnh hưởng đến an toàn nhà máy ĐHN trong tương lai.
Được biết, hiện nay cả hai phía tư vấn Nga và Nhật Bản đã hoàn thành công tác khảo sát, nghiên cứu địa điểm đối với hai địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2, đã nộp báo cáo phân tích an toàn tới các cơ quan chuyên môn.
Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử (Bộ KH&CN) Hoàng Anh Tuấn: Theo hồ sơ mới nhất từ Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử quốc gia Nga, với kết quả khảo sát có được, tư vấn khẳng định địa điểm đặt lò phản ứng ("trái tim" của nhà máy ĐHN) nhà máy ĐHN dịch chuyển 300m về phía tây nam so với dự kiến ban đầu để bảo đảm an toàn. Về công nghệ, chúng ta sẽ chọn công nghệ hiện đại nhất hiện nay và phía tư vấn đề xuất công nghệ lò nước nhẹ VVER-1000/1200 đã vận hành rất an toàn và đang được xây dựng tại Nga, Belarus. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.