Hồ sơ

Vì sao Morocco hạn chế nhận hỗ trợ quốc tế sau động đất?

Thương Nguyệt 13/09/2023 - 12:24

Thảm họa động đất ngày 8-9 tại Morocco đã khiến ít nhất 2.901 người thiệt mạng và 5.530 trường hợp bị thương. Sau thảm họa thiên nhiên thảm khốc, quốc gia Bắc Phi mới chỉ tiếp nhận hỗ trợ từ Anh, Qatar, Tây Ban Nha và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).

taybannha.jpg
Thành viên Đơn vị khẩn cấp quân sự (UME) của Tây Ban Nha tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát. Ảnh: Reuters

Theo Aljazeera, việc hạn chế tiếp nhận hỗ trợ quốc tế khiến Morocco vấp phải nhiều chỉ trích, trong bối cảnh các lực lượng cứu hộ vẫn gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực tiếp cận những khu vực hẻo lánh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất nghiêm trọng nhất quốc gia này kể từ năm 1960.

Đến thời điểm hiện tại, Morocco mới chỉ cho phép các lực lượng từ Anh, Qatar, Tây Ban Nha và UAE tham gia chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ, bất chấp nhiều lời đề nghị từ các quốc gia khác trên thế giới.

Thông tin từ Doha News cho thấy, Qatar đã gửi viện trợ nhân đạo, các đội tìm kiếm và cứu nạn, cùng nhiều phương tiện, đến những khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh 6,8 độ richter xảy ra tại thành phố cổ Marrakesh và dãy núi High Atlas.

Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha xác nhận, một đơn vị tìm kiếm cứu nạn của quân đội nước này với 56 nhân viên cứu hộ và 4 chó nghiệp vụ đã đến Morocco hôm 10-9. Một máy bay quân sự cùng 30 nhân viên cứu hộ và 4 chó nghiệp vụ cũng đã được điều động.

Anh thông báo đã huy động 60 chuyên gia tìm kiếm và cứu hộ, 4 chó nghiệp vụ, trang thiết bị cứu hộ và một đội đánh giá y tế. Các đội cứu hộ và cứu thương của cảnh sát UAE cũng đã được huy động.

Trong khi đó, Tunisia, Algeria, Pháp, Đức, Italia, Canada đều khẳng định sẵn sàng gửi lực lượng hỗ trợ đến Morocco nhưng vẫn chưa nhận được lời đề nghị chính thức từ quốc gia Bắc Phi.

Liên hợp quốc cũng đưa ra động thái tương tự và có thể triển khai nguồn lực trong vòng 12 đến 48 giờ sau khi Morocco yêu cầu trợ giúp.

nannhan.png
Trận động đất 6,8 độ richter khiến gần 3.000 người thiệt mạng đến thời điểm này. Ảnh: New York Times

Jens Laerke, phó phát ngôn viên của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) thuộc Liên hợp quốc cho biết, Morocco có trách nhiệm xác định những hỗ trợ mà quốc gia này cho là cần thiết, đồng thời khẳng định sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ về vấn đề này.

Chủ tịch Viện Tình báo chiến lược Morocco Abdelmalek Alaoui khẳng định, động thái tiếp nhận viện trợ một cách có chọn lọc của quốc gia này không mang yếu tố địa chính trị.

Bộ Ngoại giao Đức cũng cho biết, Berlin không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy việc Morocco chưa tiếp nhận viện trợ của quốc gia này mang tính chính trị. Trái lại, các quan chức Morocco đã gửi lời cảm ơn đến Đức sau đề nghị trợ giúp.

cuutro.png
Tình nguyện viên dân sự phân phát đồ viện trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi động đất. Ảnh: New York Times

Trong một tuyên bố, Bộ Nội vụ Morocco xác nhận, quyết định chấp nhận viện trợ từ Anh, Qatar, Tây Ban Nha và UAE được đưa ra dựa trên những đánh giá chính xác về nhu cầu thực tế. Bộ này cũng lưu ý, Morocco không từ chối đề nghị trợ giúp từ nhiều quốc gia khác nhưng lo ngại sự phối hợp kém sẽ gây phản tác dụng. Quan điểm này là có cơ sở, đặc biệt nếu nhắc lại những ký ức tồi tệ về viện trợ quốc tế hỗn loạn sau trận động đất năm 2004.

Trận động đất hôm 8-9 xảy ra tại khu vực miền núi với đặc điểm địa hình hiểm trở, khiến việc tiếp cận cực kỳ khó khăn. Giới chuyên gia lo ngại, các đội cứu hộ có thể gây trở ngại thay vì giúp đỡ nếu không có sự phối hợp. Ngoài ra, việc đưa lực lượng này đến làm nhiệm vụ tại những khu vực bị ảnh hưởng cũng không dễ dàng do nhiều con đường đã bị hư hại nghiêm trọng.

Cùng chung nhận định, đại diện Liên đoàn Chữ thập đỏ quốc tế (IFRC) cho rằng, việc tiếp cận một số khu vực bị ảnh hưởng là cực kỳ phức tạp và một trong những điều tồi tệ nhất là khiến sự hỗn loạn gia tăng khi có quá nhiều người tham gia.

dotnat.png
Khung cảnh đổ nát tại một ngôi làng bị động đất tàn phá. Ảnh: New York Times

Điều phối viên Arnaud Fraisse của nhóm viện trợ Cứu hộ không biên giới (RWB) thừa nhận, hàng chục đội cứu hộ từ các quốc gia khác có thể gây quá tải. Người sáng lập RWB cũng lưu ý, nhiều quốc gia từng từ chối sự hỗ trợ từ các đội cứu hộ tương tự nhóm này như trường hợp Armenia năm 1988.

Khi trả lời phỏng vấn AP, Thượng nghị sĩ Lahcen Haddad nhấn mạnh, ưu tiên trước mắt là dọn dẹp các con đường và tiếp cận những người sống sót. Cựu Bộ trưởng Du lịch Morocco tuyên bố, quốc gia này có đủ nhân lực nên không cần con số, thay vào đó là tiến độ để có thể nhanh chóng tiếp cận người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Morocco hạn chế nhận hỗ trợ quốc tế sau động đất?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.