Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao hành lang thoát lũ tiếp tục bị chiếm dụng?

Hoàng Văn| 26/02/2016 07:04

(HNM) - Hành lang thoát lũ Sông Hồng trên địa bàn hai phường Nhật Tân và Tứ Liên, quận Tây Hồ tiếp tục bị chiếm dụng. Tình trạng đổ trộm phế thải, xây dựng nhà hàng, quán nhậu, điểm vui chơi giải trí ở khu vực này diễn ra đã nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận, nhưng vẫn tồn tại như một thách thức. Việc xử lý triệt để những vi phạm nêu trên là đòi hỏi cấp bách trước khi mùa lũ đến.

Phế thải xây dựng ồ ạt lấn chiếm hành lang Sông Hồng tại quận Tây Hồ.


Bức xúc nạn đổ trộm phế thải

Khu đất rộng khoảng 10.000m2 tại Ngõ 464 Âu Cơ, phường Nhật Tân ngổn ngang đất, gạch, đá, bê tông... mới được máy ủi san gạt. Khoảng 10 phút lại xuất hiện một ô tô bịt kín thùng vào bãi sông tìm khu đất trống để xả phế thải. Bà Nguyễn Thị Khang, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ (HTX NN) Nhật Tân cho biết, khu đất này trước đây xã viên HTX NN Nhật Tân trồng rau màu, nhưng nay đã biến thành nơi chứa phế thải xây dựng.

Việc đổ trộm phế thải diễn ra từ năm 2011, chính quyền địa phương đã lập các chốt ngăn chặn, xử lý nên tình trạng này có giảm. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, người canh gác không còn, các đối tượng lại ồ ạt đổ trộm. "Bức xúc lắm nhưng không làm cách nào để ngăn chặn, chúng tôi đã phải thuê máy ủi san gạt các núi phế thải và mua tre, dây thép gai rào lại nhưng cũng không ăn thua. Nửa đêm, các đối tượng lại phá rào vào đổ trộm" - bà Khang nói.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, kiểm soát viên Hạt Quản lý đê số 2 cho biết, trong năm 2015, Hạt Quản lý đê số 2 đã phối hợp với chính quyền địa phương lập hàng trăm biên bản vi phạm, nhưng do các đối tượng đổ trộm vào ban đêm nên rất khó xử lý. Đối với những vi phạm ở khu vực bãi đá (phường Nhật Tân), Hạt đã lập 30 biên bản vi phạm gửi chính quyền địa phương đề nghị giải tỏa. Nhưng vi phạm không bị xử lý mà ngày càng được mở rộng như thách thức dư luận.

Theo báo cáo của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (PCLB) Hà Nội, hiện nay trên địa bàn quận Tây Hồ có 3 khu vực vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều và Luật Phòng chống thiên tai gồm: Phường Tứ Liên, phường Nhật Tân và phường Yên Phụ. Trong đó "nóng" nhất là tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng tại Ngõ 464 Âu Cơ (phường Nhật Tân) và khu vực bãi đá (phường Nhật Tân). Đặc biệt, tại khu bãi đá, chủ khu vui chơi giải trí đã hạ ngầm đường điện ra giữa bãi Sông Hồng để phục vụ mục đích kinh doanh khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép. Hạt Quản lý đê số 2 đã lập biên bản nhiều tháng nay nhưng cơ quan chức năng chưa xử lý.

Chưa xử lý dứt điểm các vi phạm

Để ngăn chặn tình trạng này, ngày 6-1-2016, Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội đã làm việc với các cơ quan chức năng của quận Tây Hồ bàn giải pháp xử lý triệt để. Ông Nguyễn Văn Thuận, Chi cục phó Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội cho biết, các điểm "nóng" vi phạm này xảy ra trong nhiều năm, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) và UBND TP Hà Nội đã có nhiều văn bản yêu cầu chính quyền địa phương kiên quyết xử lý và có biện pháp quản lý chống tái vi phạm. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2015, tình trạng đổ trộm phế thải diễn ra ồ ạt, với khối lượng khoảng 10.000m3. Nghiêm trọng hơn, các đối tượng đã đổ phế thải, đất đá lấp lạch Sông Hồng tạo đường đi ra bãi đất bồi giữa lòng sông để kinh doanh dịch vụ và làm bãi đỗ xe. Vi phạm này diễn ra cả ngày lẫn đêm gây nhiều bức xúc trong dư luận!

Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội đã đề nghị UBND quận Tây Hồ thực hiện nghiêm Quyết định 4862 ngày 25-9-2015 của UBND thành phố về thống kê, xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật đê điều. Đồng thời, yêu cầu quận Tây Hồ chỉ đạo hai phường Nhật Tân và Tứ Liên chậm nhất ngày 22-1-2016 phải hoàn thành việc thanh thải, cưỡng chế vi phạm trong khu vực lòng sông, hành lang thoát lũ Sông Hồng. Thế nhưng, qua kiểm tra, đến nay các vi phạm này vẫn y nguyên.

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội kiến nghị: Quận Tây Hồ sớm lập đề án trình UBND thành phố và các cơ quan chức năng giao thầu cho các tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng để hạn chế việc đổ trộm phế thải, lấn chiếm lòng sông. Đồng thời, quận cần chỉ đạo các phường có đất ngoài bãi bồi ven Sông Hồng phối hợp với công an, thanh tra xây dựng, giao thông, quản lý đê điều lập chốt, tuần tra, canh gác tại các cửa khẩu, đường, ngõ ra vào khu vực bãi sông, kịp thời xử lý ngay vi phạm khi mới phát sinh. Đối với các trường hợp cố tình, cơ quan chức năng nghiên cứu chế tài xử phạt nặng như: Thu giữ phương tiện, xử lý hình sự...

Ngoài ra, ông Đỗ Đức Thịnh đề nghị quận Tây Hồ sớm quy hoạch các điểm chứa phế thải xây dựng trên địa bàn nhằm xử lý dứt điểm nạn đổ phế thải lấn chiếm hành lang Sông Hồng.

Ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ:

Ngày 22-1, UBND quận đã chỉ đạo Công an quận và chính quyền các phường lập chốt, dựng barie ở những khu vực ra vào bãi sông để ngăn chặn xe ô tô đổ trộm phế thải. Công an quận đã tăng cường lực lượng tuần tra, bắt giữ 22 trường hợp, xử phạt hành chính 52 triệu đồng, đến nay tình trạng đổ phế thải tại các khu vực này đã giảm nhiều.

Tuy nhiên, đối với khu vực bãi đá, quận có ra quân xử lý, giải tỏa nhưng chưa triệt để. Hiện nay, quận đã giao cho Phòng Kinh tế lập đề án Quản lý sử dụng đất, phát triển kinh tế du lịch tại khu vực này.

Chúng tôi kiến nghị thành phố sớm lập quy hoạch chi tiết phân khu R tại khu vực ngoài bãi Sông Hồng để địa phương làm căn cứ quản lý, sử dụng đất hiệu quả.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao hành lang thoát lũ tiếp tục bị chiếm dụng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.