Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao gia tăng ?

Lâm Vũ| 13/06/2011 06:38

(HNM) - Theo báo cáo tổng hợp về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, trung bình mỗi năm gần đây ở nước ta có khoảng 7.300 trẻ em và người chưa thành niên thiệt mạng do tai nạn thương tích.

Các nghiên cứu chỉ rõ rằng gia đình, đặc biệt là gia đình nông thôn là nơi tỷ lệ tai nạn thương tích trẻ em xảy ra nhiều nhất và cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn thương tích ở trẻ em.

Người lớn bận rộn, trẻ mất an toàn


Cần có nhiều chương trình hành động, những biện pháp cụ thể để giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ em nông thôn.

Theo TS. Trương Xuân Trường, Viện Xã hội học, trong hai thập kỷ trở lại đây, cấu trúc gia đình nông thôn Việt Nam đã có nhiều biến đổi, trong đó đáng kể nhất là sự chuyển đổi từ mô hình gia đình đông con, nhiều thế hệ sang gia đình nhỏ - hạt nhân, ít con. Mô hình gia đình này hiện chiếm đa số trong cộng đồng. Trước kia, một đứa trẻ có nhiều người trông giữ, nhưng bây giờ với cấu trúc gia đình nhỏ, thường là 4-5 người, thậm chí chỉ có 2 vợ chồng và một đứa con nên trẻ không được chăm sóc cẩn thận. Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu của vấn nạn thương tích trẻ em.

Nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường đã thực sự tác động đến mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước, bộc lộ rõ nhất ở nông thôn chính là xu hướng làm việc vào bất cứ lúc nào, làm bất cứ việc gì để có thể tăng thu nhập. Khi người nông dân không còn thời gian nông nhàn như trước thì đương nhiên họ càng có ít thời gian để chăm sóc con cái. Sự phát triển kinh tế giúp nhiều gia đình khá giả nhưng có một bộ phận nghèo đi, trở thành nhóm thiệt thòi, dễ bị tổn thương. Nghiên cứu trong các cộng đồng nông thôn cho thấy, tai nạn thương tích trẻ em hầu hết xảy ra ở các gia đình có mức sống thấp. Một trong những lý do quan trọng của hiện tượng này là trẻ phải ở nhà một mình, không có người lớn giám sát. Nhiều gia đình nghèo chạy từng bữa ăn nên phải để con ở nhà, thậm chí đứa lớn 6 tuổi giữ đứa nhỏ 1 tuổi, trong khi lẽ ra đứa lớn cũng cần phải được người lớn trông nom.

Việc trẻ em tham gia giúp việc gia đình hiện rất phổ biến ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề là có nhiều trẻ phải làm những công việc vượt quá tuổi, quá sức. 6, 7 tuổi đã phải nấu cơm, đun nước; mới 12, 13 tuổi đã đi cày, đi gặt. Điều nguy hiểm là, điều kiện lao động ở nông thôn rất thiếu an toàn đối với trẻ. Trên thực tế, nhiều trẻ bị ngã, bị bỏng, bị súc vật cắn, bị các vật sắc nhọn cắt, đuối nước... do tham gia lao động giúp đỡ gia đình.

Gia đình phải là môi trường sống an toàn

Phương pháp giáo dục và ứng xử của một bộ phận cha mẹ ở nông thôn về phòng, chống tai nạn thương tích cho con cái hiện có "vấn đề". Trẻ hiếu động, rất thích leo trèo, tắm sông hồ, chơi các trò chơi nguy hiểm nhưng để ngăn cấm, bố mẹ thường chửi mắng và dùng vũ lực. Phương pháp này phản tác dụng vì trẻ không biết gì thêm về những tai nạn mà chúng có thể mắc phải, vừa rời xa bố mẹ và lại tiếp tục chơi dại.

Bên cạnh đó, các ông bố, bà mẹ ở nông thôn còn thiếu ý thức về tai nạn thương tích, thiếu kiến thức phòng, chống các loại tai nạn cho trẻ em. Người nông dân quan niệm rất đơn giản về tai nạn thương tích, phần lớn chỉ chịu quan tâm nhiều hơn khi xảy ra chết người. Họ cũng không hiểu biết về nguyên nhân, nguy cơ, tác hại cũng như cách phòng tránh các loại tai nạn thương tích cho trẻ. Không ít người cho rằng, để trẻ nhỏ ở nhà một mình là chuyện bình thường như xưa nay vẫn vậy. Do đó, mặc dù có điều kiện trông giữ trẻ, họ vẫn để con cái ở nhà một mình và coi đó như là một hành vi "nhất cử lưỡng tiện", vừa không phải trông trẻ, vừa để trẻ trông nhà. Cũng không ít người lý sự, chỉ có thầy, cô giáo mới dạy bảo được con cái họ và ban ngày thì chúng ở trường, vì vậy phòng, chống tai nạn thương tích là việc của các thầy, cô.

Theo TS. Trương Xuân Trường, để giảm tai nạn thương tích cho trẻ em nông thôn, cần đặt gia đình vào trung tâm của hoạt động phòng, chống, từ đó triển khai các chương trình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em như nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ... Bên cạnh đó, cần đề cao hoạt động truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em và xác định nhóm gia đình nghèo ở nông thôn là đối tượng ưu tiên đặc biệt của chương trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao gia tăng ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.