(HNM) - Mới đây, Bài hát Việt và Sao mai - Điểm hẹn, hai chương trình âm nhạc đình đám thuần Việt trở lại màn ảnh nhỏ nhưng không được phát trên giờ vàng VTV3 để nhường sóng cho cuộc đổ bộ của các gameshow mua bản quyền nước ngoài như Giọng hát Việt, Vietnam Idol.
Ngày 1-7, Bài hát Việt 2012 có liveshow mở màn tái ngộ người yêu nhạc nhưng cũng chỉ có sóng trên VTV6. Bắt đầu từ năm 2011, Bài hát Việt đã không được truyền hình trực tiếp trên VTV3 và lượng khán giả theo dõi đuối hơn hẳn. Sao mai - Điểm hẹn, chương trình đào tạo ca sĩ cho làng nhạc nhẹ vốn được mong chờ và có chất lượng nhất trên sóng truyền hình bao mùa qua, cũng tái ngộ khán giả trực tiếp trên sóng của VTV2, VTV4, VTV6. Dù là phát trên 3 kênh cùng một lúc, Sao mai - Điểm hẹn vẫn bị coi là mất vị thế khi không giành được sóng của kênh truyền hình quốc gia ăn khách nhất - VTV3. Trong khi đó, Giọng hát Việt - một chương trình truyền hình thực tế mới toanh, mua bản quyền nước ngoài sẽ lên sóng VTV3 vào tối chủ nhật hằng tuần từ ngày 8-7. Cuộc thi Thần tượng Việt Nam - Vietnam Idol 2012 cũng đã bắt đầu khởi động với vòng sơ tuyển trên cả nước, sẽ được lên sóng VTV3 trong một tháng nữa.
Sao mai - Điểm hẹn có lịch sử trên 10 năm tổ chức, đã phát hiện nhiều ca sĩ tài năng cho âm nhạc nước nhà. Một số ca sĩ đã trở thành ngôi sao như Tùng Dương, Ngọc Khuê, Anh Khoa, Hà Anh Tuấn… hay những giọng ca thực tài như Minh Chuyên, Kasim Hoàng Vũ, Thái Thùy Linh... Còn từ Bài hát Việt, hàng loạt nhạc sĩ với những sáng tác hay, mới được biết tới. Bài hát Việt cùng với Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Minh Sơn đã góp phần "đại chúng hóa" dòng nhạc dân gian đương đại, giới thiệu nhạc điện tử của Nguyễn Xinh Xô hay phát hiện ra những tác giả trẻ có phong cách riêng như Lê Cát Trọng Lý, Tô Minh Đức, Thái Trinh…
Không phải nhà đài "có mới nới cũ", hay người xem sính ngoại, mà thực tế là cách làm và sức hút của bản thân mỗi chương trình đã dẫn đến thực tế trên. Các chương trình âm nhạc mua bản quyền nước ngoài dành cho tất cả người yêu âm nhạc và có khả năng ca hát trên toàn quốc; còn chương trình âm nhạc Việt hầu như chỉ là sân chơi của những người trong nghề. Nếu các chương trình mua bản quyền nước ngoài có form chuẩn khiến việc thực hiện trơn tru thì có những chương trình "nội" như Bài hát yêu thích 7 tháng thực hiện vẫn còn loay hoay vừa làm vừa chỉnh sửa "luật chơi". Nếu các chương trình mua bản quyền đôi khi có "thủ đoạn vô biên" để tạo dư luận thì các chương trình thuần Việt chỉ quanh đi quẩn lại có hát và hát.
Tuy nhiên, mỗi gameshow trên truyền hình không chỉ là một chương trình giải trí, mà còn thêm nhiệm vụ là tìm kiếm, phát hiện những tài năng âm nhạc. Vietnam Idol dù rất "hot" trong 3 mùa tổ chức, nhưng các thần tượng âm nhạc của cuộc thi này vẫn chưa thể qua mặt được những người chiến thắng từ Sao mai - Điểm hẹn. Chuyên môn, chất lượng chính là yếu tố khiến nhiều chương trình truyền hình âm nhạc thuần Việt vẫn còn được quan tâm. Song không vì thế mà người tổ chức quên đi việc làm mới để không bị mờ nhạt, chìm nghỉm giữa các chương trình mới sinh động và hấp dẫn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.