(HNM) - Du lịch hành hương hay du lịch tâm linh hiện vẫn mang nặng tính mùa vụ và chủ yếu thu hút khách trong nước.
Tour đa dạng, giá phải chăng
Các điểm đến trong mùa du lịch hành hương chủ yếu là đền, chùa, miếu nổi tiếng trải dài từ Bắc đến Nam. Theo các đơn vị lữ hành, do thời gian nghỉ Tết đã kết thúc, việc đi lại dài ngày sẽ ảnh hưởng đến công việc nên du khách chủ yếu chọn các tour ngắn ngày hoặc đi và về trong ngày cho chuyến du xuân hành hương. Những địa danh được nhiều du khách lựa chọn là non thiêng Yên Tử, chùa Hương, chùa Bái Đính, chùa Linh Ứng, Thiên Mụ, chùa Bà... hay xa hơn nữa là Myanmar huyền bí, đất nước Chùa tháp Campuchia, Thái Lan với những mái chùa vàng, Trung Hoa với những đền chùa cổ, hay tìm về tận đất Ấn Độ, Nepal để thăm quê hương Đức Phật...
Du khách trẩy hội chùa Hương. Ảnh: Bá Hoạt |
Đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách trong mùa lễ hội và hành hương sau Tết, Saigontourist đã sớm triển khai hàng loạt tour ngắn ngày, điểm đến phong phú, khởi hành liên tục hằng ngày hoặc theo yêu cầu. Với đầu cầu từ TP Hồ Chí Minh, tour Côn Đảo 3 ngày giá từ 6,1 triệu đồng. Còn với lịch trình khởi hành từ Hà Nội, tour Yên Tử - đền Cửa Ông - đền Cô Bé Cửa Suốt - chùa Cái Bầu; đền Hùng - Tuyên Quang từ 1,45 triệu đồng; Lạng Sơn - Mẫu Sơn - đền Mẫu từ 2,15 triệu đồng; Thiền viện Trúc Lâm - Tam Đảo - 2,15 triệu đồng đều gói gọn trong 2 ngày, khởi hành thứ bảy hằng tuần; hoặc tour đền Hùng đi về trong ngày (từ 975 nghìn đồng). Ngoài ra, còn hàng loạt điểm đến linh thiêng: Chùa Dâu, Bút Tháp, chùa Thầy, chùa Tây Phương, Trăm Gian, Bái Đính, đền Đô, đền Trần, đền Sóc, phủ Dầy, chợ Viềng, đền Bà Chúa Kho… đều có trong các tour 1-2 ngày, khởi hành theo yêu cầu, giá chỉ từ 495 nghìn đồng.
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp lữ hành có uy tín, từ nay đến hết tháng 2 âm lịch, tour hành hương, lễ hội sẽ chiếm chủ đạo với khách nội địa. Ước tính, lượng khách đi tour hành hương trong dịp sau Tết chiếm 40-60% tổng số khách đăng ký. Với việc tung ra các sản phẩm đa dạng, tiết kiệm chi phí, nhiều đơn vị lữ hành kỳ vọng lượng khách đặt tour cho mùa du lịch hành hương 2014 sẽ tăng 10-20%.
Riêng Hanoi Redtours, ngay trong những ngày đầu năm Giáp Ngọ, đã tổ chức các đoàn khách lớn kết hợp du xuân, lễ Phật như: Tổ chức đoàn 100 khách đi Tuyên Quang, 600 khách đi Phú Quốc… Tính cả khách nội địa và khách outbound (khách nội địa xuất ngoại) đi du lịch hành hương, Hanoi Redtours kỳ vọng sẽ phục vụ khoảng 1.000 lượt khách trong mùa lễ hội, du lịch tâm linh 2014. Cũng trong mùa du lịch hành hương năm nay, Vietrantour kỳ vọng lượng khách đặt tour tâm linh sẽ đạt 1.500 khách (tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái). Hiện tại, Vietravel cũng có lượng đặt tour hành hương trong nước đạt gần 2.500 khách, chiếm khoảng 40% tổng lượng khách đăng ký tour sau Tết.
Vẫn nặng tính thời vụ
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đánh giá, nhu cầu du lịch hành hương, du lịch tâm linh ngày càng đa dạng, không chỉ giới hạn trong khuôn khổ hoạt động gắn với tính tôn giáo mà ngày càng mở rộng tới các hoạt động, sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc. Việc phát triển du lịch tâm linh sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, mở ra cơ hội hợp tác, góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, ở nước ta, du lịch tâm linh chủ yếu còn mang nặng tính thời vụ, tập trung vào dịp cuối năm, đầu năm âm lịch và các thời điểm diễn ra lễ hội dân gian trong năm. Chi tiêu của khách du lịch cho tâm linh cũng rất thấp. Lượng khách nước ngoài đặt tour du lịch hành hương, tâm linh cũng khá khiêm tốn.
Theo thống kê của ngành du lịch, du lịch tâm linh chủ yếu thu hút khách trong nước, lượng du khách nước ngoài khá hạn chế. Trong tổng số hơn 7,5 triệu lượt khách quốc tế đến nước ta trong năm 2013 thì chỉ có khoảng 12% tham gia tour du lịch tâm linh. Đại diện Công ty lữ hành Vietravel Nguyễn Minh Mẫn cho rằng, với những lợi thế lớn về danh lam, thắng cảnh, nền văn hóa lâu đời và độc đáo với nhiều di tích có giá trị, nhiều tín ngưỡng bản địa đặc trưng…, Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành điểm đến lý tưởng của loại hình du lịch tâm linh. Tuy nhiên, doanh nghiệp lữ hành cũng rất khó khăn để bán tour du lịch tâm linh, đặc biệt là cho khách nước ngoài, trước hết do sự phối hợp, quy hoạch của địa phương trong xúc tiến quảng bá các điểm du lịch tâm linh đến du khách còn rất yếu. "Để du lịch hành hương, du lịch tâm linh tìm được chỗ đứng trong lòng du khách ngoại cần xây dựng bảng sự kiện lễ hội tâm linh tiêu biểu để xúc tiến quảng bá, đồng thời có sự thống nhất trong việc tạo nên sản phẩm du lịch tâm linh thực sự có sức hấp dẫn", ông Nguyễn Minh Mẫn đưa ra gợi ý.
Với mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ các tour hành hương, đáp ứng yêu cầu du khách, bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch lễ hội một cách thường xuyên và có hiệu quả, công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên nhằm truyền tải nội dung và ý nghĩa của các lễ hội đến du khách, đặc biệt là du khách quốc tế cũng là một trong những vấn đề được nhiều đơn vị lữ hành coi trọng. Ví như, trước khi bước vào mùa du lịch hành hương, các đơn vị lữ hành, như: Vietravel, Saigontourist, Hanoi Redtours, Hanoitourist… đã tổ chức tuyển chọn đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm, có trình độ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu tìm hiểu nét đẹp văn hóa, truyền thống tại các lễ hội khắp mọi miền đất nước của du khách.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, đầu tư nguồn nhân lực cần phải tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng của các khu di tích, một số khu du lịch trọng điểm. Rõ ràng, để du lịch tâm linh tìm được chỗ đứng trong lòng du khách nước ngoài vẫn còn nhiều việc phải làm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.