Thành phố Madurai ở bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ được biết tới với biệt danh “Thoonga Nagaram”, nghĩa là “thành phố không ngủ”. Danh hiệu này hoàn toàn xứng đáng, bởi hàng nghìn người hành hương Hindu ngày đêm đổ về Madurai để cúng bái tại những khu đền kỳ vĩ.
Thành phố đền đài
Theo truyền thuyết, xưa kia có một người nông dân tên Dhananjaya sống bên bờ sông Vaigai. Một ngày nọ, Dhananjaya đi trong khu rừng Kadambavanam thì thấy thần Indra, vua của các vị thần Hindu, cầu nguyện dưới bóng cây gáo trắng. Người nông dân bèn báo cho vua Kulasekara Pandiyan. Vị vua này đã cho chặt hạ hết cây trong rừng Kadambavanam, sau đó dựng lên một khu đền lấy cây gáo trắng làm trung tâm. Đó chính là đền Meenakshi, “trái tim” của Madurai.
Đền Meenakshi thờ hai vị thần Meenakshi (hiện thân của nữ thần Parvati) và thần Sundareshwar (hiện thân của thần Shiva). Khu đền có bốn tòa tháp lớn trấn giữ bốn góc gọi là rajagopuram. Ngoài ra còn có 10 tòa tháp khác, trong đó có 5 tòa thờ thần Sundareshwar, ba tòa thờ thần Meenakshi, và 2 tòa tháp chóp vàng gọi là “gopuram”. Những tòa tháp cùng những công trình khác trong khuôn viên đền đều được chạm trổ công phu. Bên ngoài là những bức bích họa, phù điêu, còn bên trong khắc các bài kinh kệ của đạo Hindu. Đền Meenakshi là công trình linh thiêng với tín đồ Ấn Độ giáo, vậy nên du khách hãy ăn mặc thật chỉn chu và không đem theo máy ảnh khi ghé thăm đền.
Các khu đền Hindu lớn bao giờ cũng có một cái hồ (tự nhiên hoặc nhân tạo) để thực hiện một số nghi lễ thờ cúng và làm điểm nhấn kiến trúc. Đền Meenakshi có hồ Teppakulam. Do hạn hán nên nhiều năm gần đây, hồ Teppakulam liên tục cạn trơ đáy và trở thành sân chơi cricket. Phải đến mùa lễ hội, chính quyền thành phố mới dẫn nước từ các sông hồ lân cận để làm đầy Teppakulam. Bên cạnh hồ còn có đền Vandiyur Mariamman thờ nữ thần mưa Mariamman. Thời điểm tốt nhất để ghé thăm hồ và đền là lúc diễn ra lễ hội Thaipusam (cuối tháng 1, đầu tháng 2) thờ thần chiến tranh Murugan đã chiến thắng trước con quỷ Surapadman. Khi đó, mặt hồ Teppakulam tràn đầy những chiếc đèn hoa lung linh, rồi những bức tượng thần trong đền Meenakshi được rước quanh hồ.
Đền Thiruparankundram Murugan nằm tại phía nam Madurai thu hút người hành hương và khách du lịch nhiều không kém Meenakshi. Tương truyền, núi Skandamalai (nằm phía sau đền) là nơi thần Murugan tiêu diệt quỷ Surapadman và cưới nữ thần Devasena, con gái của thần Indra. Thần Murugan được dân tộc Tamil đặc biệt tôn sùng, vậy nên không lúc nào đền Thiruparankundram Murugan vắng bóng người lễ bái. Để tránh chen chúc và ngắm nhìn sự kỳ vĩ của Thiruparankundram Murugan, du khách nên đi bộ khoảng một cây số trên con đường cái bắt đầu từ cửa đền, qua đó cảm nhận rõ sự khéo léo và sùng đạo của những người thợ đã xây ngôi đền.
Cung điện Thirumalai Nayak được xây dựng vào năm 1636 dưới triều vua Thirumalai Nayak của đế chế Nayaka. Nhà vua là người rất yêu nghệ thuật và kiến trúc. Ông mời hẳn một kiến trúc sư người Italia để thiết kế cung điện nơi mình ở. Điện Thirumalai Nayak là sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc Dravidian bản địa và kiến trúc Hồi giáo ở Tây Ấn. Ngay cả những vị khách dày dặn kinh nghiệm du lịch nhất cũng phải choáng ngợp trước sự vĩ đại của Thirumalai Nayak, nhất là 240 cây cột trong khắp cung điện, mỗi cột to khoảng hai người ôm. Thirumalai Nayak trước đây còn rộng lớn và lộng lẫy hơn nữa, nhưng nhiều phần của cung điện đã bị hỏng hóc và phá hủy dưới sự cai trị của thực dân Anh.
Nếu du khách cảm thấy quá mệt sau chuyến đi dài, hãy đi tắm thác Kutladampatti. Ngọn thác cùng rừng núi xung quanh luôn đem lại sự yên bình trong tâm hồn du khách khi trải nghiệm ngâm mình ở nơi đây. Thời điểm tốt nhất để ghé thăm thác Kutladampatti là vào mùa nước dâng từ tháng 6 đến tháng 9.
Đắm mình trong văn hóa
Chuối là một trong những loại trái cây chủ lực của bang Tamil Nadu. Khu chợ xanh gần đền Meenakshi là nơi tốt nhất để mua chuối và những loại hoa quả, rau củ khác. Cách đó không xa là khu chợ trong nhà Puthu Mandapam, nơi tập trung hầu hết thợ thủ công trong khu vực. Thành phố Madurai nổi tiếng một phần nhờ những chiếc nồi, xoong, chảo làm từ đồng hay thiếc có độ bền cao.
Lễ hội diễn ra quanh năm ở Madurai. Trước hết phải nói đến lễ hội Pongal mừng cơm mới và ca ngợi thần mặt trời Surya, đồng thời cầu cho mùa vụ tiếp theo bội thu. Lễ Pongal diễn ra trong ba ngày, thường bắt đầu vào ngày 14 hoặc 15-1. Cái tên “Pongal” là chỉ món cháo pongal được người dân làm từ gạo, sữa và đường vàng. Ngoài việc nấu và dâng pongal lên thần Surya, các gia đình còn tắm rửa cho trâu bò, sơn lên sừng và đội lên chúng những vòng hoa, rồi dẫn đi khắp phố. Riêng ở Madurai còn tổ chức một cuộc đua trâu gọi là jallikattu.
Lễ hội Chithirai kéo dài 12 ngày từ ngày rằm tháng Chithirai trong lịch của người Tamil (vắt giữa hai tháng 4 và 5 dương lịch). Đây là dịp để người dân thờ cúng thần Meenakshi và thần Sundareshwar. Lễ hội bắt đầu khi vị thầy tu trưởng đền Meenakshi cho treo cờ trên cây cột trước cửa đền gọi là dhvajastambha. Lễ chính của hội nhằm tái hiện lại đám cưới của Meenakshi và Sundareshwar. Trong truyền thuyết, để mừng đám cưới của hai vị thần, các tín đồ còn tổ chức những trò vui chơi, nhảy múa. Trong đó, thu hút nhiều người nhất là cuộc đua xe ngựa được tổ chức vào ngày thứ 11 của lễ hội Chithirai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.