(HNM) - Vụ hành quyết giáo sĩ theo dòng Hồi giáo Shiite Nimr al-Nimr đã gây thêm hiềm khích giữa Iran và Saudi Arabia. Căng thẳng lên cao khi Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, kéo theo một số quốc gia Hồi giáo khác có quyết định tương tự.
Sự việc cũng đưa tên tuổi của vị giáo sĩ chưa nhiều tiếng tăm này thành tâm điểm chú ý. Vậy Nimr al-Nimr là ai, có ảnh hưởng và vai trò thế nào trong đời sống chính trị mà có thể khiến cho những bất hòa về tôn giáo tại Trung Đông bùng phát?
Nimr al-Nimr là thần tượng của giới trẻ theo dòng Hồi giáo |
Nimr al-Nimr sinh năm 1959, trong một gia đình sùng đạo danh tiếng tại làng Awamiyah, thuộc miền Đông Saudi Arabia, nơi có đa số người theo dòng Hồi giáo Shiite sinh sống. Ông nội của ông đã từng dẫn đầu một cuộc nổi dậy vũ trang chống lại những người thu thuế của chính phủ và các nhà truyền giáo từ các giáo phái Wahhabi Sunni trong những năm 1920. Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học, ông chuyển đến Iran năm 1979 và học tại một viện nghiên cứu Shiite trước khi tiếp tục học tập tại Syria. Năm 1994, ngay sau khi về Saudi Arabia, ông trở thành đối tượng mà chính quyền quan tâm đặc biệt và thường xuyên bị cơ quan tình báo thẩm vấn về tư tưởng và các hoạt động kêu gọi tự do tôn giáo. Trong khoảng thời gian 2003-2008, Nimr al-Nimr bị bắt giam 8 lần vì tham gia các cuộc biểu tình và tổ chức các buổi giảng dạy chống lại nhà nước cầm quyền, chỉ ra tình trạng bất ổn kinh tế và những bất công trong xã hội Saudi Arabia.
Theo một nhà ngoại giao Mỹ tiết lộ trên WikiLeaks năm 2008, mặc dù Nimr al-Nimr không được coi là một nhân vật chính trị quan trọng đại diện cho người Shiite nhưng tầm ảnh hưởng của ông đối với giới trẻ là rất lớn, đặc biệt là người nghèo, chịu gánh nặng của tình trạng bất ổn kinh tế cũng như bất bình với sự phân biệt đối xử của Chính phủ với người Shiite. Giống những lãnh tụ Hồi giáo dòng Shiite hàng đầu ở Saudi Arabia, Nimr al-Nimr phản đối việc sử dụng vũ khí, tránh các cuộc đấu tranh vũ trang và kêu gọi sử dụng "sức mạnh ngôn luận".
Tuy nhiên, theo học giả Joas Wagemakers, nhà nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Utrecht ở Hà Lan, Nimr al-Nimr lại có quan điểm khác khi cho rằng chế độ ở Saudi Arabia chính là gốc rễ của những phân biệt đối xử với người Shiite và bất cứ sự thỏa hiệp nào với chính phủ cũng không thể giải quyết triệt để vấn đề này. Chính quan điểm này đã khiến Nimr al-Nimr ít được các lãnh đạo Shiite tại Saudi Arabia coi trọng khi họ theo đuổi quan điểm cần hợp tác với Chính phủ Sunni đa số để tìm kiếm một vị thế cho cộng đồng Shiite thiểu số tại quốc gia vùng Vịnh.
Với cảm hứng từ phong trào Mùa xuân Arab tại nhiều nước Trung Đông, các cuộc biểu tình chống Chính phủ Saudi Arabia nổ ra vào năm 2011, trong đó có nhiều bài phát biểu trước công chúng của giáo sĩ Nimr al-Nimr với nội dung kêu gọi chấm dứt chế độ quân chủ Al-Saud và đẩy mạnh sự bình đẳng cho cộng đồng người Hồi giáo theo dòng Shiite tại quốc gia này. Tháng 7-2012, Nimr al-Nimr bị bắt giữ và phải đối mặt với hàng loạt tội danh nghiêm trọng bao gồm "không tuân lệnh", "kích động, lãnh đạo và tham gia các cuộc biểu tình".
Tầm ảnh hưởng của giáo sĩ này càng được thể hiện rõ qua tình trạng hỗn loạn và những cuộc biểu tình quy mô lớn ngay cả sau khi ông bị bắt. Đến tháng 10-2014, tòa án hình sự đặc biệt của Saudi Arabia tuyên Nimr al-Nimr án tử hình với tội danh lôi kéo "sự can thiệp của nước ngoài", "không tuân lệnh" những người cầm quyền và dùng vũ lực chống lại lực lượng an ninh. Nimr al-Nimr cũng bị cáo buộc đã có những liên hệ với Chính phủ Iran. Tuy nhiên, học giả Matthiesen cho rằng điều này không có căn cứ: "Dĩ nhiên là người Iran yêu thích các bài phát biểu của ông và sử dụng hình ảnh của ông trong các cuộc biểu tình cũng như trên các phương tiện truyền thông, nhưng ông không nhận bất cứ mệnh lệnh nào từ chính quyền Iran".
Việc hành quyết Nimr al-Nimr đã thổi bùng ngọn lửa mâu thuẫn tôn giáo, đẩy quan hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia vào bế tắc và ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm tàng cho các xung đột vốn đã khốc liệt tại các nước Trung Đông như Syria và Yemen.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.