Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vi phạm quy định bảo đảm an toàn hàng không: Đáng báo động!

Hà Tuấn| 22/01/2015 06:27

(HNM) - 2014 được đánh giá là năm đen tối của ngành hàng không thế giới khi xảy ra 8 vụ tai nạn máy bay thương mại, làm chết gần 900 người.



Ở Việt Nam, dù không xảy ra vụ tai nạn nào nhưng hàng loạt sự cố có nguy cơ dẫn đến mất an toàn hàng không (ATHK) cũng như ý thức yếu kém trong chấp hành các quy định ATHK của người dân đã đến mức đáng báo động…

Hành vi gây mất ATHK tăng cao

Ngày 21-1, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban ATGT quốc gia, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) và Báo SGGP tổ chức buổi tọa đàm về "Văn hóa an toàn hàng không". Theo thống kê của Tổng Công ty Cảng HKVN, năm 2014, ở Việt Nam xảy ra 221 vụ gây mất ATHK, tăng 41 vụ so với năm 2013. Trong đó, hành vi mang vũ khí, vật phẩm nguy hiểm, công cụ hỗ trợ đi máy bay từ 94 vụ năm 2013 tăng lên 131 vụ năm 2014; tung tin có bom tăng từ 1 lên 8 vụ (so sánh theo mốc thời gian tương đương); mở cửa thoát hiểm từ 1 lên 2 vụ… Trong đó, đối với Vietnam Airlines, năm 2014 xảy ra 5 vụ hành khách dọa có bom, tăng 4 vụ so với năm 2013; khách trộm cắp xảy ra 20 vụ, tăng 8 vụ; khách hút thuốc 13 vụ, tăng 3 vụ. Đối với Hãng Hàng không Jetstar Pacific Airlines, trong năm 2014, đã phát hiện 29 vụ hành khách hút thuốc trên máy bay; 17 vụ hành khách gây rối tại quầy thủ tục và trên máy bay; hành khách sử dụng điện thoại trên máy bay là 2 vụ; hành khách say rượu, không làm chủ hành vi là 2 vụ.

Hành vi uy hiếp an toàn bay đã gia tăng đến mức báo động. Ảnh: Hà Nguyễn


Chưa hết, theo Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, năm 2014 còn có 5 sự cố liên quan kiểm soát không lưu; có khoảng trên 700 chuyến bay phải bay lại, tiếp cận lại, tiếp cận hụt, bay chờ hoặc hạ cánh ở sân bay dự bị; nhiều chuyến bay phải bay lệch đường hàng không...

Nguyên nhân làm gia tăng các hành vi trên, theo ông Phạm Chí Cường, đại diện Vietnam Airlines cho rằng, nhận thức của một bộ phận hành khách đi máy bay chưa cao; công tác tuyên truyền, cảnh báo về an ninh, an toàn bay cho hành khách vẫn chưa được chú trọng đúng mức; công tác phối hợp giữa các bộ phận liên quan kiểm soát hành khách chưa chặt chẽ.

Theo ông Nguyễn Phước Thắng, Thường trực Ban chỉ đạo cuộc vận động nâng cao nhận thức về văn hóa ATHK giai đoạn 2014-2020, điều nguy hiểm là: "Một cánh diều, một sự thâm nhập vô ý thức vào khu vực bay có thể dẫn đến thảm họa lớn đối với ngành hàng không. Một sự tò mò đối với thiết bị cứu nạn, sự vô ý thức, không chấp hành các quy định về an toàn bay có thể dẫn đến việc uy hiếp an toàn của cả chuyến bay". Điển hình về trường hợp mất an toàn bay năm 2014 là tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), xảy ra sự cố mất điện hơn 30 phút đã làm ngưng trệ toàn bộ mọi hoạt động bay; uy hiếp trực tiếp đến ATHK và đây cũng là lần đầu tiên nước ta ghi nhận sự cố hy hữu này. Hoặc tại Đà Nẵng, người dân thả diều gần khu vực bay nên máy bay phải bay vòng lại vì không thể hạ cánh; một số cảng hàng không tại miền Trung thì xảy ra chuyện, cứ hễ thấy vắng lực lượng an ninh sân bay thì người dân lại xua trâu bò vào sát khu vực cấm…

Hiện đại hóa trang bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo ông Đặng Quốc Bảo, Phó trưởng ban An ninh an toàn Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Cục HKVN cần tăng mức xử phạt hành chính, đưa vào danh sách cấm bay những hành khách có hành vi ảnh hưởng đến an toàn, an ninh chuyến bay. Bên cạnh đó, các ngành chức năng phải đẩy mạnh triển khai xây dựng hệ thống quản lý ATHK và chương trình an toàn đường cất cánh, hạ cánh; phối hợp với đơn vị quản lý nhà nước tuyên truyền cho người dân sống xung quanh cảng hàng không và cho hành khách về những hành động gây mất ATHK.

Ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc CP Hàng không Hải Âu cho rằng, mặc dù có một số sự cố uy hiếp an toàn nhưng trong 17 năm qua Việt Nam vẫn là điểm sáng về ATHK ở khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, để bảo đảm ATHK, cơ quan chức năng còn phải nâng cao chất lượng tuyển dụng nhân viên; tăng cường chất lượng đào tạo chuyên môn; hiện đại hóa các hệ thống kiểm soát nhân viên hàng không và hành khách.

Đáng lưu ý, theo ông Lương Hoài Nam, trong tương lai, theo xu thế thế giới, máy bay hàng không chung sẽ nhiều hơn máy bay vận tải thương mại, trong khi cách hoạt động có nhiều khác biệt. Do đó, cần phải hoàn thiện quy hoạch không phận theo khu vực địa lý và độ cao cho các loại không phận từ A đến G (theo phân loại không phận của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế); phương thức bay, quản lý, điều hành, hỗ trợ bay và phương thức thông tin liên lạc cho các loại không phận từ A đến G; sớm ban hành quy chế bay tầm thấp thuận lợi cho hàng không chung; cập nhật, bổ sung bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực máy bay và khai thác máy bay đặc biệt là về hàng không chung.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm quy định bảo đảm an toàn hàng không: Đáng báo động!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.