(HNM) - Tình trạng vi phạm pháp luật về thủy lợi tiếp tục diễn ra trong thời gian gần đây tại một số địa phương thuộc thành phố Hà Nội cho thấy sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị trong công tác bảo vệ công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh. Để xử lý dứt điểm tình trạng này, cơ quan chức năng đang tham mưu với UBND thành phố ban hành văn bản quy rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan.
Vi phạm nhiều, xử lý ít
Cống Hòa Mỹ (thuộc địa bàn xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên) là một trong những công trình thủy lợi lớn của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, trong ngày 25-6, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, gần 800m2 đất tại phía trái cống đã bị gia đình bà Đào Thị Nhạn ở thôn Hòa Mỹ, xã Hồng Minh chiếm dụng làm bãi tập kết vật liệu xây dựng, gây nguy cơ sụt lún cống...
Tương tự vi phạm trên, hộ ông Nguyễn Văn Vy ở xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) đã đào móng, tập kết vật liệu xây dựng vào đập hồ Suối Hai. Hộ ông Nguyễn Văn Định ở xã Võng La (huyện Đông Anh) đổ bê tông lấp mặt kênh, xây tường rào trong phạm vi bảo vệ tuyến kênh tưới G1... Trong khi đó, trên địa bàn các huyện: Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì... thường xuyên diễn ra tình trạng người dân đổ rác thải sinh hoạt vào lòng kênh.
Ngoài xâm hại trực tiếp công trình thủy lợi, một số địa phương, doanh nghiệp chưa nghiêm túc tuân thủ Luật Thủy lợi trong việc xin cấp phép xây dựng công trình. Cụ thể, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Tín không có giấy phép nhưng vẫn thi công dự án cải tạo, nâng cấp mặt đê sông Nhuệ. Công ty TNHH Anh Huy không có giấy phép, nhưng vẫn xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ kênh Đan Hoài (xã Song Phương, huyện Hoài Đức)...
Thống kê của Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, 20 quận, huyện, thị xã đã để phát sinh 68 vụ vi phạm pháp luật về thủy lợi. Theo phản ánh của 4 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố, khi phát hiện các vi phạm, đơn vị đã lập biên bản, gửi hồ sơ đề nghị chính quyền các cấp xử lý. Tuy nhiên, tính đến ngày 26-6, các địa phương mới xử lý 8 vụ, tồn đọng 60 vụ; trong đó, huyện Thường Tín tồn đọng 23 vụ, huyện Ứng Hòa 8 vụ, huyện Phú Xuyên 7 vụ...
Chưa phân định rõ trách nhiệm
Thừa nhận có sự chậm trễ trong xử lý vi phạm, Chủ tịch UBND xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) Đặng Quang Duy cho biết, xã đã yêu cầu bà Đào Thị Nhạn chuyển vật liệu xây dựng ra khỏi khu vực bảo vệ mang cống Hòa Mỹ trước ngày 30-6. Tương tự, UBND các xã: Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì), Võng La (huyện Đông Anh) cũng đang hoàn thiện các bước cưỡng chế giải tỏa vi phạm trong tháng 6 này...
Về việc chậm xử lý vi phạm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Trần Thanh Toàn lý giải: “Theo quy định của Luật Thủy lợi, công ty có nhiệm vụ phát hiện vi phạm công trình thủy lợi, phối hợp với chính quyền sở tại lập biên bản đình chỉ thi công. Còn việc cưỡng chế, giải tỏa vi phạm thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương...”.
Trong khi đó, đại diện nhiều địa phương lại cho rằng, khó khăn lớn nhất là nhiều công trình thủy lợi chưa được cắm mốc bảo vệ. Hơn nữa, doanh nghiệp thủy lợi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm kịp thời phát hiện, báo cáo vi phạm nên khi xử lý, vi phạm đã vượt thẩm quyền... “Nếu doanh nghiệp thủy lợi kịp thời phát hiện, thông báo với chính quyền địa phương thì việc xử lý vi phạm đơn giản hơn rất nhiều...”, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết.
Thực trạng xử lý vi phạm nêu trên của các đơn vị liên quan cho thấy, chưa có sự phân định rõ trách nhiệm nên vi phạm không được xử lý triệt để, kịp thời. Khắc phục bất cập này, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn thông tin: "Hiện nay, Chi cục Thủy lợi Hà Nội đang tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật thủy lợi... Đối với đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi sẽ không được nghiệm thu, thanh toán phần kinh phí quản lý nếu để xảy vi phạm mà không kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền cơ sở...".
Còn với những công trình vi phạm hiện nay, ông Chu Văn Tuấn đề nghị, các địa phương kiên quyết xử lý theo quy định. Trước mắt tập trung xử lý các vi phạm lấn chiếm lòng sông, lòng kênh, bờ sông, bờ kênh, hành lang công trình thủy lợi...
Để ngăn chặn vi phạm phát sinh, bên cạnh việc thiết lập cơ chế trách nhiệm rõ ràng, cần xử lý trách nhiệm những tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm. Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mới hạn chế được vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.