Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vi phạm khai thác công trình thủy nông làm hoa màu bị ngập úng?

Trần Hiệp| 26/05/2012 08:13

(HNM) - Sau trận mưa lớn vào đêm 22-5, rạng sáng 23-5, các thửa bí, bầu, đậu... của xã Nam Hồng (Đông Anh) bị nước ngập sâu 30-40cm. Bị ngập nặng nhất phải kể đến thôn Đìa. Thửa ruộng nào trồng bầu, trồng bí thì nước ngập tới một phần ba độ cao của giàn. Nước ruộng tràn qua bờ ao, cá thả trong ao tràn bờ ra đồng; ốc lớn, ốc bé bò lổm ngổm trên mặt đường bê tông...

Người dân bơm nước để cứu hoa màu.

Người dân thôn Đìa cho biết: Mỗi năm vài bận, cứ gặp đợt mưa to là đồng ruộng ở đây ngập hết. Nước ngập nhưng chậm thoát, chuyển thành úng, kéo dài cả tuần, khiến cho việc canh tác, trồng trọt của bà con rất khó khăn và bị thiệt hại lớn. Sở dĩ có sự ngập úng như vậy là do các cống dẫn nước chạy ngầm qua đường 23B, mương Sóc Sơn và cống điều tiết trên sông Thiếp quá nhỏ, thường xuyên bị tắc nghẽn, làm cho nước trên các cánh đồng của xã Nam Hồng không thể thoát được. Không những thế, trên sông Thiếp cũng đang có hiện tượng ngăn dòng chảy, hạn chế lưu lượng nước qua cống điều tiết để phục vụ đánh bắt cá, dẫn đến việc lưu thông dòng chảy, thoát nước cũng gặp trở ngại. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Tiến Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hồng cho biết: Trên địa bàn xã có 2,5km thuộc hệ thống mương Sóc Sơn (dẫn nước phù sa từ sông Hồng về Sóc Sơn) chạy qua. Từ tháng 9-2011, hệ thống mương này được cải tạo, đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đêm 22-5, một đoạn bờ mương dài 15m ở vị trí giáp đường 23B bị vỡ, một lượng lớn nước mương đổ tràn vào các cánh đồng của xã Nam Hồng. Ngay từ sáng sớm 23-5, chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan thủy nông bơm, hút nước giải tỏa cho các cánh đồng. Đối với các cống ngầm bên dưới quốc lộ 23B bị tắc, ông Đức khẳng định toàn bộ cống ngầm trên địa bàn đã được thay mới bằng ống cống có đường kính 2m, bảo đảm tiêu, thoát nước. Do vậy, việc ngập úng chỉ là cục bộ do vỡ mương Sóc Sơn kết hợp với mưa to đêm 22-5 mà thôi.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn bộ hệ thống thoát nước trên các cánh đồng của xã Nam Hồng đều đổ về sông Thiếp. Chảy qua địa bàn xã Nam Hồng, đến giáp xã Kim Chung, nước sông Thiếp được điều tiết bởi cống ba cửa (Thọ An), là đoạn cống chạy ngầm dưới đường sắt, rồi tiếp tục dòng chảy. Trong cuộc họp cùng các ban, ngành chức năng của xã Nam Hồng sáng 23-5, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đông Anh (đơn vị được giao quản lý, khai thác sông Thiếp) cho rằng, dòng chảy của sông Thiếp qua cống ba cửa bị bèo tây cản trở, khiến nước sông Thiếp ở khu vực trên cửa cống chảy chậm, dẫn tới nước từ các cánh đồng của xã Nam Hồng cũng thoát chậm. Sáng sớm 23-5, công ty đã vớt hết bèo tây, bảo đảm lưu lượng thoát nước của sông Thiếp qua cửa cống này.

Tuy nhiên, vào 9h30 sáng 23-5, tại cống ba cửa Thọ An, chúng tôi vẫn quan sát thấy mực nước sông Thiếp đoạn trên cửa cống cao hơn đoạn dưới cửa cống tới 50-60cm. Nước chỉ chảy qua hai cửa cống, một cửa không có nước lưu thông. Ở khu vực nước thoát ra cửa cống, có nhiều lưới được giăng để bắt cá. Trên bờ có nhiều tấm gỗ còn ướt chất đống (theo người dân, đây là gỗ dùng để chặn cửa cống vừa được tháo lên). Phải chăng việc giăng lưới, bắt cá tại cửa cống này cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự cản trở việc điều tiết dòng chảy sông Thiếp, góp phần làm chậm sự thoát nước trên những cánh đồng xã Nam Hồng?
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm khai thác công trình thủy nông làm hoa màu bị ngập úng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.