(HNM) - Phản ánh đến Đường dây nóng Báo Hànộimới, người dân xã An Thượng, huyện Hoài Đức cho biết: Dọc hai bên hành lang tỉnh lộ 423, qua xã An Thượng (dài khoảng 1km) luôn trong tình trạng bị các nhà hàng, xưởng chế biến gỗ chiếm dụng, gây bức xúc dư luận.
Gỗ cây để bừa bãi, chiếm dụng lề đường 423, đoạn qua xã An Thượng. |
Ghi nhận của phóng viên tại đường 423, đoạn qua địa phận xã An Thượng cho thấy, mặt đường khá hẹp, vào giờ cao điểm hằng ngày, tại đây luôn có lưu lượng phương tiện qua lại đông. Ngoài một số tuyến buýt chạy liên tục từ Hà Đông - Quốc Oai - Thạch Thất - Sơn Tây, thì lượng xe ô tô tải qua tuyến đường này cũng khá nhiều. Từ đoạn dốc đê sông Đáy đến hết địa phận thôn Thanh Quang (xã An Thượng) đã có khoảng 10 xưởng gỗ, nên nhiều máy móc, gỗ cây, gỗ xẻ xếp la liệt dọc hành lang tuyến đường, bất chấp quy định của pháp luật.
Thêm vào đó, các quán ăn và các điểm tập kết vật liệu xây dựng cũng bày bàn ghế, cát sỏi, gạch... tràn ra cả lề đường khiến người tham gia giao thông bị che khuất tầm nhìn. Xe chở vật liệu xây dựng và phế thải khi qua đây không che chắn cẩn thận để rơi vãi bừa bãi ra đường, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn khiến người tham gia giao thông bất bình. Anh Nguyễn Đình Thiên (ở xã Vân Côn, huyện Hoài Đức) cho biết: "Đường nhỏ hẹp, đã vậy dọc đoạn này, nhiều chủ xưởng gỗ lại xếp những cây gỗ có đường kính lớn ra tận sát mép đường khiến lái xe chúng tôi khi lưu thông qua khu vực này luôn phải cảnh giác nếu không rất dễ bị va quệt, tai nạn sẽ xảy ra.
Chị Trần Thị Nhài, người dân xã An Thượng cũng cho hay: “Lượng xe tải chở vật liệu xây dựng, gỗ thường xuyên qua đây đã “băm nát” mặt đường khiến lòng đường ngày một nham nhở. Mỗi khi trời mưa, nhiều chỗ biến thành vũng, chứa đầy bùn đất, rất nguy hiểm cho người qua lại, nhất là vào buổi tối. Thực tế, thời gian gần đây, trên đoạn đường này cũng đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra”.
Nhằm hạn chế bùn đất bắn vào hàng quán, nhà cửa khi có xe ô tô chạy qua, người dân sống hai bên đường đã cắm biển báo, đặt vật dụng chắn giữa đường. Mỗi khi trời tối, đường bị chắn cũng rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Trao đổi về thực trạng này, ông Nguyễn Chí Lương, Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết: Ban Chỉ đạo 197 của xã thường xuyên duy trì kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự giao thông, trật tự công cộng lòng đường, vỉa hè. Nhưng với đặc thù đường nhỏ, các hộ dân đã tận dụng hành lang giao thông để kinh doanh, buôn bán. Đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương cũng tổ chức ký cam kết, nhắc nhở và tháo dỡ hàng trăm tường bao, mái che, mái vẩy... Tuy nhiên, ý thức của người dân nơi đây về trật tự đô thị, an toàn giao thông chưa cao nên vẫn còn xảy ra vi phạm. Đối với 3 xưởng kinh doanh gỗ lớn, lực lượng chức năng mới dừng lại ở nhắc nhở, ký cam kết, chưa xử phạt hành chính”.
Để bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường 423, qua xã An Thượng, đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng sớm kiểm tra, kẻ vạch phân định ranh giới hành lang giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân hiểu để thực hiện và có biện pháp kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.