Chính phủ vừa ban hành Nghị định 84/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, thay thế Nghị định 169/2004/NĐ-CP. Theo đó, kể từ ngày 15/11/2011 (ngày Nghị định có hiệu lực thi hành), mức xử phạt cao nhất đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá sẽ tăng từ 30 triệu đồng lên 40 triệu đồng.
Phạt 40 triệu đồng nếu bán hàng hóa cao hơn giá tối đa do cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc quy định - Ảnh minh họa |
Mức phạt cao nhất 40 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi bán hàng hóa thấp hơn giá sàn, mức giá tổi thiểu hoặc cao hơn giá tối đa do cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc quy định.
Vi phạm quy định về bình ổn giá phạt đến 30 triệu
Nghị định cũng nêu rõ, phạt tiền 15 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định. Theo quy định hiện đang áp dụng tại Nghị định 169/2004/NĐ-CP thì hành vi vi phạm trên chỉ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.
Ngoài việc xử phạt nặng hơn, Nghị định cũng bổ sung quy định phạt 30 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá.
Bên cạnh đó, hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, quầy hàng, điểm giao dịch mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc niêm yết giá không đúng quy định, gây nhầm lẫn cho khách hàng; bán hàng hóa, thu tiền dịch vụ cao hơn giá niêm yết có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng.
Phạt đến 20 triệu đồng hành vi đưa tin thất thiệt về giá cả
Nghị định quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi bịa đặt, loan tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường. Nếu hộ kinh doanh vi phạm, sẽ phạt tiền từ 1 - 5 triệu đồng; doanh nghiệp vi phạm bị phạt 5 - 10 triệu đồng.
Bên cạnh đó, cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức có liên quan có hành vi bịa đặt, loan tin, đưa thông tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử… gây hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu thẩm định viên về giá có hành vi thông đồng với chủ tài sản, khách hàng, người có liên quan khi thực hiện thẩm định nhằm làm sai lệch kết quả thẩm định; cho các doanh nghiệp thẩm định giá mượn, thuê Thẻ thẩm định viên về giá… sẽ bị phạt 30 triệu đồng. Đồng thời, bị phạt tước có thời hạn đến 12 tháng hoặc không thời hạn quyền sử dụng Thẻ thẩm định viên về giá; xóa tên trong danh sách thẩm định viên về giá có đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.