Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vi phạm đê điều, công trình thủy lợi ở Gia Lâm: Vì sao vẫn chỉ xử lý ... “trên giấy”?

Kim Nhuệ| 15/08/2016 06:36

(HNM) - Dù đã được chỉ rõ, các cơ quan chức năng đã có văn bản yêu cầu giải tỏa, nhưng nhiều vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi ảnh hưởng năng lực phòng, chống thiên tai của các công trình trên địa bàn huyện Gia Lâm vẫn ngang nhiên tồn tại. Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao việc xử lý vi phạm vẫn chỉ...


Công trình vi phạm hành lang thoát lũ sông Đuống chưa được xử lý triệt để.


Nhiều vi phạm nghiêm trọng

Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, từ năm 2014 đến nay, huyện Gia Lâm xảy ra 25 vụ vi phạm Luật Đê điều, 559 vụ vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi, trong đó vi phạm chủ yếu là: xây dựng công trình, xây nhà cấp 4, làm xưởng sản xuất, lều lán, công trình phụ, trồng cây, xây tường rào, làm bãi chứa vật liệu xây dựng... trong hành lang thoát lũ. Trong đó, vi phạm nghiêm trọng nhất là công trình trạm trộn bê tông trên diện tích 6,5ha bãi sông Đuống, thuộc địa phận xã Dương Hà, của Công ty TNHH Việt Anh.

Theo Hạt trưởng Hạt Quản lý đê số 6 Phạm Đức Phương, ngay khi phát hiện Công ty TNHH Việt Anh đổ phế liệu xây dựng vào bãi sông Đuống, đơn vị đã lập Biên bản vi phạm pháp luật đê điều số 59/BB-VPĐĐ ngày 26-11-2015; đồng thời, ra Quyết định tạm đình chỉ hành vi vi phạm, số 206/QĐ-ĐCVP ngày 26-11-2015. Do doanh nghiệp không chấp hành nên ngày 1-12-2015, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội tiếp tục có Văn bản số 1111/CCĐĐ-QL đề nghị Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo UBND xã Dương Hà và các cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động vi phạm và bốc xúc, vận chuyển toàn bộ phế thải xây dựng ra khỏi khu vực bãi sông Đuống… Quá thời hạn quy định mà vi phạm vẫn tồn tại, Sở NN&PTNT có các Văn bản số 2850/SNN-ĐĐ, ngày 18-12-2015; Văn bản số 2882/SNN-TTr ngày 23-12-2015 đề nghị UBND huyện Gia Lâm kiên quyết xử lý.

Không những thế, làm việc với huyện Gia Lâm, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai thành phố có Văn bản số 203/TB-BCH ngày 30-12-2015, đề nghị huyện kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm đê điều, thủy lợi. Sau 3 tháng, UBND TP Hà Nội tiếp tục có Văn bản số 3273/UBND-SNN ngày 6-3-2016 yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm xử lý vi phạm pháp luật đê điều tại khu vực bãi sông Đuống, báo cáo kết quả xử lý trước ngày 15-6-2016. Tổng cục Thủy lợi có Văn bản số 1005/TCTL-ĐĐ ngày 1-7-2016 đề nghị UBND TP Hà Nội quan tâm xử lý các vi phạm pháp luật đê điều, trong đó có Công ty TNHH Việt Anh… Tuy nhiên, ngày 3-8, quan sát của phóng viên Báo Hànộimới tại hiện trường, vi phạm của Công ty TNHH Việt Anh tại bãi ngoài đê hữu Đuống thuộc địa phận xã Dương Hà vẫn chưa được xử lý. Tại đây, Công ty TNHH Việt Anh đã đổ 300m3 phế thải xây dựng để tôn nền bãi sông không phép trên diện tích 6,5ha và lắp đặt trạm trộn bê tông. Khảo sát trên địa bàn xã Yên Viên còn có 7 công trình xây dựng trong hành lang thoát lũ sông Đuống. Tại vị trí K9+820 và K9+880 có nhà xưởng sản xuất của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Đức Mạnh; tại vị trí K10+635 có lán tạm lợp mái tôn của gia đình ông Hoàng Văn Dương; tại vị trí K9+800 và K9+790 có lán tạm lợp mái tôn của gia đình bà Hoàng Thị Tỉnh... Trên địa bàn các xã Dương Hà, Phù Đổng, Trung Mầu có nhiều chuồng trại chăn nuôi, trạm trộn bê tông… Trên địa bàn xã Ninh Hiệp, Đình Xuyên, Văn Đức… có hàng chục nhà cấp 4, xưởng sản xuất, làm kho chứa hàng hóa… vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi.

Tâm lý chủ quan, lơ là

Trả lời câu hỏi vì sao dẫn đến nhiều vi phạm chưa được xử lý dứt điểm, đặc biệt là vi phạm của Công ty TNHH Việt Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, nguyên nhân là do nhiều năm nay không có lũ lớn nên một số cán bộ và nhân dân còn thái độ chủ quan trong phòng, chống thiên tai; chính quyền cấp xã chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, còn tình trạng cho thuê thầu đất không đúng quy định, có nơi không kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Nhận thức của nhân dân về bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi còn hạn chế… Hiện nay, huyện Gia Lâm đã xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi, khắc phục tình trạng chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai và coi công tác xử lý vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm những tháng còn lại của năm 2016. Huyện đã giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND xã Dương Hà tổ chức cưỡng chế vi phạm của Công ty TNHH Việt Anh xong trước ngày 5-8; giao Chủ tịch UBND các xã Yên Viên, Trung Mầu, Bát Tràng, Phù Đổng, Kim Lan, Văn Đức, Đặng Xá… có trách nhiệm giải tỏa vi phạm trật tự xây dựng, bãi chứa cát, sỏi ven sông...

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hạt Quản lý đê số 6, đến ngày 12-8, công trình vi phạm của Công ty TNHH Việt Anh và vi phạm ở các xã trên vẫn tồn tại.

Thực tế trên cho thấy, việc xây dựng các công trình vi phạm không thể hoàn tất trong một sớm một chiều. Vì vậy, nếu huyện Gia Lâm không quyết liệt thì việc xử lý những vi phạm đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn huyện này vẫn mãi chỉ trên giấy. Và như vậy, việc dư luận băn khoăn đặt dấu hỏi về chuyện bảo kê hoặc hiệu lực quản lý của chính quyền quá yếu là có cơ sở. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm đê điều, công trình thủy lợi ở Gia Lâm: Vì sao vẫn chỉ xử lý ... “trên giấy”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.