Bạn đọc

Vi phạm đất đai trên địa bàn huyện Đông Anh: Cần sớm xử lý dứt điểm

Nguyên Hà 06/12/2023 - 07:20

Hàng nghìn héc ta đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh đang bị các tổ chức, cá nhân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng nhà trọ, làm kho và xưởng sản xuất... Vi phạm đất đai diễn ra tràn lan, song chính quyền cơ sở vẫn chậm trễ vào cuộc xử lý, gây nên bức xúc trong dư luận xã hội.

vi-pham-dat-dai.jpg
Lực lượng chức năng xã Vân Nội (huyện Đông Anh) tổ chức cưỡng chế xử lý vi phạm đất đai tại thôn Thố Bảo.

Tràn lan vi phạm

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, tình trạng san lấp trái phép ao, hồ và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, biến đất công, đất nông nghiệp thành nhà xưởng, kho bãi, công trình trên địa bàn huyện Đông Anh diễn ra từ nhiều năm nay. Qua kiểm tra, rà soát, đến thời điểm này, UBND huyện Đông Anh đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ công trình, di dời tài sản, vật liệu ra khỏi khu đất vi phạm đối với 342 trường hợp, trong đó có những vi phạm tồn tại nhiều năm. Ví dụ như hàng loạt công trình, lều lán tại khu cổng C, Khu công nghiệp xã Võng La và các vi phạm dọc quốc lộ 3, cùng các trường hợp vi phạm khác trên địa bàn xã Tiên Dương; khu vực Phần Lính, thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc.

Thế nhưng, do việc buông lỏng công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng của chính quyền cơ sở nên gần đây người dân sống tại địa bàn các xã Nguyên Khê, Uy Nỗ, Tiên Dương, Vân Nội vẫn “ồ ạt” tập kết vật liệu, tái diễn hành vi san lấp, xây dựng trái phép công trình, nhà xưởng trên đất nông nghiệp. Tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất công, đất nông nghiệp sai mục đích còn diễn ra ở khu đất đối diện cổng Bệnh viện Bắc Thăng Long, khu D2, khu Nam Làng, xã Hải Bối.

Theo quan sát của phóng viên, đoạn từ cổng làng Hải Bối tiến vào đê tả sông Hồng khoảng 1km là nơi diễn ra nhiều vi phạm nhất. Tại đây, nằm khuất và xen giữa những tán keo là hàng loạt công trình xây dựng trái phép bằng gỗ hoặc khung thép. Tiếp xúc với người dân địa phương, phóng viên được biết việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra từ đầu năm trở lại đây. Lợi dụng ngày lễ, ngày nghỉ, một số trường hợp lén lút đổ đất san lấp và thi công phía trong khuôn viên đã quây tôn, phủ bạt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các hộ gia đình thiếu mặt bằng để sản xuất, kinh doanh, mặt khác còn bởi tốc độ đô thị hóa tại địa phương đang phát triển mạnh, giá đất tăng cao gấp nhiều lần so với thu nhập từ sản xuất nông nghiệp nên nhiều người bất chấp sai phạm chở đất về san nền, dựng nhà xưởng, mua bán trao tay, kiếm lời.

Cần quyết liệt vào cuộc

Khảo sát thực tế trên địa bàn huyện Đông Anh, phóng viên được biết, ngày 16-11-2023, UBND xã Vĩnh Ngọc đã tổ chức cưỡng chế 7 trường hợp vi phạm tại khu vực Phần Lính, thôn Ngọc Chi. Ngày 21-11-2023, UBND huyện Đông Anh tổ chức cưỡng chế 11 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp dọc quốc lộ 3. Qua công tác tuyên truyền, vận động, 90 trường hợp vi phạm tại khu cổng C, Khu công nghiệp xã Võng La đã tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 244 trường hợp vi phạm về đất đai ở khu đất đối diện Bệnh viện Bắc Thăng Long; khu D2, Đống Thâu Cổ Điển, khu Nam Làng, xã Hải Bối chưa bị xử lý theo quy định.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh Hoàng Anh Tuấn cho biết, nguyên nhân là do hầu hết các vi phạm đều hình thành trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành (ngày 1-7-2014). Với quan điểm không để phát sinh vi phạm mới, huyện yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn nhanh chóng thiết lập hồ sơ vi phạm; khi phát hiện trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp phải sớm ngăn chặn, báo cáo UBND huyện xử lý theo quy định.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng, hiện trên địa bàn huyện có 419 khu đất (diện tích 612,9ha) phù hợp quy hoạch và 429 khu đất (diện tích 440,5ha) không phù hợp với quy hoạch. Trong đó, có 173 khu đất đã được UBND các xã, thị trấn đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất để tổ chức đấu giá thuê đất trong năm 2023; 206 khu đất trang trại, trong đó có 41 trường hợp đã hết thời hạn phê duyệt trang trại. Do chính quyền địa phương chưa quyết liệt, chậm xử lý các vi phạm trên đất nông nghiệp công và triển khai rà soát, đề xuất đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp nên đã để xảy ra hành vi lấn chiếm. Trong tháng 12-2023, các trường hợp nêu trên nếu không tự tháo dỡ các công trình vi phạm, UBND huyện sẽ tổ chức cưỡng chế, xử lý dứt điểm...

Tình trạng lấn chiếm, sử dụng sai mục đích không chỉ khiến cho đất nông nghiệp bị biến dạng, khó cải tạo, mà còn ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Để ngăn chặn tình trạng này, đề nghị UBND huyện Đông Anh và chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt, sớm có biện pháp xử lý dứt điểm đối với các vi phạm nêu trên.

Để ngăn chặn tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, biến đất công, đất nông nghiệp thành nhà xưởng, kho bãi, công trình, ngày 30-6-2023, UBND huyện Đông Anh có Văn bản số 1568/UBND-TNMT về tăng cường công tác xử lý vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn huyện. Tiếp đó, ngày 20-9-2023, UBND huyện ban hành Văn bản số 2371/UBND-TNMT về việc tăng cường công tác xử lý vi phạm đất đai trên đất nông nghiệp liên quan đến xây dựng nhà ở, nhà trọ và nhà kho, nhà xưởng trên địa bàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm đất đai trên địa bàn huyện Đông Anh: Cần sớm xử lý dứt điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.