Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bản quyền - vấn đề then chốt của kinh tế tri thức tại Hàn Quốc

Nhật Quang| 17/04/2023 12:33

(HNMCT) - Công nghiệp văn hóa đang mang lại những thay đổi to lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc. Để tạo nên thành công đó, việc bảo vệ bản quyền đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực vô cùng khó, đòi hỏi quốc gia này liên tục có những chính sách linh hoạt để đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng từ thực tế.

Bản quyền đóng vai trò then chốt trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Hàn Quốc. Ảnh: Habkorea.net

Bản quyền đóng vai trò then chốt

Tại Diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc 2023 vừa diễn ra vào ngày 6-4 tại Hà Nội, ông Park Jung Youl, Chủ tịch Cơ quan bảo vệ bản quyền Hàn Quốc (KCOPA) khẳng định rằng, trong nền kinh tế tri thức của Hàn Quốc hiện nay, ngành công nghiệp bản quyền đóng vai trò then chốt, đóng góp tới 11,6% vào nền kinh tế.

Trong gần một thập niên từ năm 2012 đến năm 2020, ngành công nghiệp bản quyền của Hàn Quốc đã đạt được thành tựu rất đáng kể. Theo số liệu từ ủy ban Bản quyền Hàn Quốc, số lượng lao động toàn ngành này tăng nhanh chóng, từ hơn 1,5 triệu người vào năm 2012 lên gần 2,4 triệu người vào năm 2020; giá trị gia tăng của ngành tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian này - từ gần 124 nghìn tỷ won lên hơn 224 nghìn tỷ won. Doanh thu của ngành năm 2020 đạt hơn 442 nghìn tỷ won.

Một cuộc khảo sát do Ủy ban Bản quyền Hàn Quốc thực hiện năm 2021 cho thấy nhận thức của giới trẻ Hàn Quốc về bản quyền trong vòng 10 năm qua có sự thay đổi rõ rệt. Chỉ số bản quyền từ 74,1/100 điểm vào năm 2013 tăng lên 82,4 điểm vào năm 2021. So với năm 2020, chỉ số này cũng tăng 0,2 điểm. Hàn Quốc cũng đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, quảng bá thông tin, tổ chức thi viết về bản quyền cho giới trẻ. Báo cáo thường niên về bảo vệ bản quyền năm 2022 của KCOPA cho thấy, tỷ lệ vi phạm bản quyền đã giảm từ 22% (năm 2019) xuống còn 19,8% (năm 2021).

Việc thực thi tốt các vấn đề về bản quyền là cơ sở để Hàn Quốc tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp nội dung. Năm 2023, chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ chi khoảng 790 tỷ won (622,5 triệu USD) để hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ cũng như các công ty khởi nghiệp trong ngành công nghiệp nội dung nhằm tăng xuất khẩu nội dung văn hóa Hàn Quốc - khoản hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Trong năm 2022, Bộ Văn hóa Hàn Quốc đã chi 526,8 tỷ won để hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất nội dung. Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu nội dung văn hóa của Hàn Quốc đạt mức cao nhất từ trước đến nay vào năm 2021 với 12,4 tỷ USD. Kết quả này là nhờ sự bùng nổ trên toàn cầu của văn hóa đại chúng Hàn Quốc. Theo phân tích của Bộ Văn hóa Hàn Quốc, con số này vượt xa các lĩnh vực khác như thiết bị gia dụng (8,67 tỷ USD), pin thứ cấp (8,67 tỷ USD), xe điện (6,99 tỷ USD) và bảng hiển thị (3,6 tỷ USD).

Liên tục thay đổi để thích ứng

Tại Diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc 2023, Giáo sư Dae-Hee Lee (Đại học Luật Hàn Quốc) cho biết: Từ năm 1957, Hàn Quốc đã ban hành đạo luật Bản quyền. Năm 1986, sau tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ, Luật Bản quyền đã được sửa đổi, trong đó công nhận các tác phẩm phái sinh, quyền liên quan và chương trình máy tính được liệt kê là một sản phẩm có bản quyền. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử luật bản quyền tại Hàn Quốc. Từ đó đến nay, Luật Bản quyền của Hàn Quốc đã trải qua 20 lần sửa đổi để thích ứng với sự phát triển của khoa học, công nghệ cũng như những đòi hỏi từ thực tiễn.

Hiện nay, vấn đề bản quyền tại Hàn Quốc đang đứng trước những thách thức mới. Ông Park Jung Youl - Chủ tịch KCOPA cho rằng, trong kỷ nguyên số, việc phân phối và sử dụng tác phẩm xuyên biên giới đang nảy sinh nhiều vi phạm, đòi hỏi các nước phải cùng nhau thiết lập hệ thống thực thi bản quyền quốc tế. Sự xuất hiện của các công nghệ mới và các mô hình kinh doanh khác nhau dựa trên công nghệ trong ngành công nghiệp nội dung đang tạo ra những thay đổi lớn trong toàn bộ hệ sinh thái bản quyền.

Một trong những vấn đề nổi cộm đang được dư luận quốc tế quan tâm hiện nay là vấn đề bản quyền đối với các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI), một nội dung phức tạp mà Hàn Quốc cũng như các quốc gia khác đang phải đưa ra để bàn thảo. Theo Giáo sư Dae-Hee Lee, để trả lời câu hỏi: "Liệu các tác phẩm do AI tạo ra có phải bảo vệ bản quyền hay không?", thì cần xem xét nhiều yếu tố khác nhau, như cơ sở công nhận bản quyền (thuyết quyền tự nhiên, thuyết nhân cách, thuyết vị lợi), mục tiêu của chính sách bản quyền...

Những thay đổi về Luật Bản quyền ở Hàn Quốc mang đến bài học quý cho Việt Nam trên con đường thực thi bảo hộ bản quyền cũng như hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới để cùng đưa ra giải pháp hướng tới giảm độ trễ về chính sách về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan so với sự phát triển công nghệ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bản quyền - vấn đề then chốt của kinh tế tri thức tại Hàn Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.