Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì một Việt Nam xanh!

Thế Văn| 14/02/2022 06:29

(HNM) - Không phải đến bây giờ nhân loại mới tìm kiếm nhận thức mới về một thế giới xanh, nhưng rõ ràng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trong thời gian qua đã buộc các quốc gia, các cộng đồng cư dân phải có cách nhìn mới cũng như có những hành động tích cực hơn để hàn gắn vết thương cho ngôi nhà chung - trái đất, để phát triển bền vững trong sự hài hòa cùng thiên nhiên.

Vì một Việt Nam xanh, một thế giới xanh là hành động mang tính bao trùm cho khát vọng lớn lao vì sự bình yên của đất nước. Phát biểu tại Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Nhâm Dần 2022 được tổ chức ở đất tổ linh thiêng Đền Hùng - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại di huấn trường tồn cùng thời gian: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước...”, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Giữ nước ở đây không chỉ là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, mà hiểu rộng ra còn bao hàm bảo vệ thiên nhiên tươi đẹp của đất nước, giữ gìn môi trường trong lành, sinh thái…”. Đồng thời, Chủ tịch nước khẳng định: “Phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với thiên nhiên môi trường là con đường để người dân có được ấm no, hạnh phúc và bình yên thật sự…”.

Khi ngôi nhà chung - trái đất đã chịu quá nhiều tổn thương thì điều đầu tiên và quan trọng nhất là tìm kiếm các giải pháp bảo đảm sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Nếu không làm được điều đó, cơn thịnh nộ của tự nhiên sẽ ngày càng dữ dội hơn, khó lường hơn. Những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến hàng loạt thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần, bão tuyết, hạn hán… với quy mô, mức độ kinh hoàng. Rõ ràng, biến đổi khí hậu đã và đang trở thành thách thức lớn nhất với nhân loại.

Hiện, Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Thống kê từ các cơ quan chức năng về phòng, chống thiên tai cho thấy, mỗi năm mưa bão, lũ lụt, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn… gây thiệt hại cho nền kinh tế từ 1% đến 1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Rõ ràng, sự cực đoan ngày càng gia tăng của thời tiết không chỉ cướp đi sinh mạng con người mà còn để lại hậu quả nặng nề đối với đời sống kinh tế - xã hội.

Những thách thức chưa từng có đang hối thúc các cộng đồng cư dân trên toàn cầu phải có cách tiếp cận mới và hành động mạnh mẽ hơn để hàn gắn những vết thương cho trái đất. Nhiều quốc gia đã tiếp cận xu hướng kinh tế tuần hoàn, coi đây là giải pháp hữu hiệu hướng tới nền sản xuất và tiêu dùng bền vững; đồng thời tái tạo tài nguyên theo mô hình khép kín, qua đó giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường… Không đứng ngoài xu thế phát triển của nhân loại, tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam “sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.”

Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, khẳng định chủ trương phát triển bền vững của Việt Nam trên cơ sở kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường thông qua các hành động thiết thực, cụ thể. Trong đó, có việc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển xanh gắn với kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, Chương trình trồng một tỷ cây xanh vì “một Việt Nam xanh” đã được triển khai mạnh mẽ và bước đầu mang lại kết quả rất đáng ghi nhận. Năm 2021, cả nước trồng được 210 triệu cây xanh và mục tiêu đặt ra là, giai đoạn 2022-2025, mỗi năm trồng bình quân 204,5 triệu cây, trong đó có 142,5 triệu cây xanh phân tán… Bên cạnh lợi ích hữu hình từ việc nhân lên những mảng xanh trên khắp dải đất hình chữ S, Chương trình trồng một tỷ cây xanh đã tạo động lực mới, lan tỏa tư duy xanh trong đời sống cộng đồng và tình yêu thiên nhiên ở mỗi con người. Chính vì vậy, nhiều nhà hoạt động môi trường nhận định, chương trình này là một tiền đề quan trọng để Việt Nam phát triển bền vững.

Chỉ khi mỗi con người, mỗi cộng đồng biết tôn trọng và chủ động sống hài hòa cùng thiên nhiên, nhân loại mới có ngôi nhà chung bền vững. Một Việt Nam xanh với đời sống ấm no, hạnh phúc và bình yên thật sự… là khát vọng của con Lạc, cháu Hồng. Điều đó có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc vào sự thay đổi nhận thức, tư duy cũng như hành động của mỗi chúng ta hôm nay!

Hãy làm tất cả vì một Việt Nam xanh, một thế giới xanh!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì một Việt Nam xanh!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.