Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì một thế giới an toàn

Đình Hiệp| 28/03/2012 06:32

(HNM) - "Thông cáo chung Seoul" một lần nữa khẳng định cam kết của cộng đồng quốc tế nhằm giảm thiểu sử dụng urani và plutoni làm giàu ở cấp độ cao là thành công nổi bật của Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân (NSS) 2012 vừa khép lại chiều 27-3, tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc.



Với chủ đề "Ngăn chặn khả năng vật liệu hạt nhân rơi vào tay các tổ chức khủng bố", nước chủ nhà của diễn đàn an ninh hạt nhân quy mô nhất từ trước tới nay đã không hề ngẫu nhiên khi chọn đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tăng cường cơ chế an ninh hạt nhân toàn cầu là trọng tâm ưu tiên trong các chương trình nghị sự.

Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân 2012 tại Seoul, Hàn Quốc.

Diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp liên quan đến an ninh, an toàn hạt nhân, nhất là sau sự cố hạt nhân tại Nhà máy Fukushima (Nhật Bản), NSS Seoul đã tập trung thảo luận 3 chủ đề quan trọng về an toàn và an ninh hạt nhân gồm: "Nhìn lại tiến trình đã thực hiện từ NSS lần thứ nhất năm 2010 tại Washington", "Các biện pháp quốc gia và hợp tác quốc tế để tăng cường an ninh hạt nhân và các cam kết tương lai" cùng "Giao diện an toàn và an ninh hạt nhân". Trong đó, vấn đề làm thế nào để giảm thiểu và loại bỏ tất cả các vật liệu hạt nhân đang quản lý một cách lỏng lẻo được các đại biểu tham dự NSS Seoul đặc biệt quan tâm. Với Tổng thống nước chủ nhà Lee Myung-bak, phát huy vai trò của các nhà lãnh đạo thế giới nhằm duy trì hòa bình và an ninh toàn cầu cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế là giải pháp quan trọng để thế giới có thể ngăn chặn được khủng bố hạt nhân.

Không nằm trong chương trình nghị sự nhưng vụ phóng tên lửa tầm xa Unha-3 đẩy vệ tinh Kwangmyongsong-3 lên quỹ đạo vào trung tuần tháng 4 tới của Triều Tiên đã trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm tại hầu hết các cuộc gặp cấp cao song phương. Cảnh báo hành động được cho là khiêu khích sẽ không chỉ khiến Bình Nhưỡng bị cô lập hơn mà còn làm tổn hại đến quan hệ với các nước láng giềng, Tổng thống B.Obama một lần nữa thể hiện thái độ cứng rắn của Mỹ khi tuyên bố, kế hoạch phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên có thể sẽ phá hỏng thỏa thuận viện trợ lương thực vừa đạt được cũng như làm lu mờ triển vọng nối lại các vòng đàm phán sáu bên. Trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã tìm được tiếng nói chung tại hội nghị nhằm tiếp tục gây sức ép với Triều Tiên về vụ việc này thì, Trung Quốc lại thể hiện vai trò trung gian hòa giải không thể thiếu. Khẳng định đã nhiều lần yêu cầu Triều Tiên ngừng triển khai kế hoạch phóng vệ tinh - giới quân sự cho là vỏ bọc của một vụ thử tên lửa tầm xa - Chủ tịch Hồ Cẩm Đào mang đến hội nghị một thông điệp rõ ràng hơn khi nhấn mạnh, Trung Quốc đang hối thúc Triều Tiên từ bỏ kế hoạch phóng vệ tinh để tập trung cải thiện cuộc sống của người dân.

Tiếp tục thể hiện vai trò tích cực và chủ động trong lĩnh vực an ninh, an toàn hạt nhân, bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại NSS Seoul một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Không chỉ nêu bật các nỗ lực, biện pháp đã thực hiện thời gian qua nhằm bảo đảm an toàn hạt nhân ở mức độ cao nhất, những đóng góp của Việt Nam tại hội nghị còn cho thấy trách nhiệm cao của Việt Nam trong nỗ lực giải quyết mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế là sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Trong đó, việc hoàn tất thủ tục nội bộ gia nhập Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân; hợp tác có hiệu quả với

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Mỹ và Nga trong chuyển đổi nhiên liệu urani có độ giàu cao sang loại có độ giàu thấp tại lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt… cùng một loạt sáng kiến khác của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Như khẳng định của Tổng thống Lee Myung-bak, trong thời đại lệ thuộc lẫn nhau, không một quốc gia nào có thể tuyệt đối tránh khỏi mối đe dọa của khủng bố hạt nhân. Điều đó cho thấy sự hợp tác quốc tế càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết trong cuộc chiến chống khủng bố hạt nhân đầy thách thức. Với sự tham dự của đại diện hơn 50 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế, NSS Seoul vừa kết thúc là động lực mới để thế giới xích lại gần nhau hơn trong nỗ lực chung nhằm ngăn chặn nguy cơ về an ninh hạt nhân. Song, chỉ những cam kết không là chưa đủ. Do đó, những hành động cụ thể, đặc biệt với những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ là rất cần thiết để bảo đảm cho một thế giới an toàn hơn trước những nguy cơ khôn lường về an ninh hạt nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì một thế giới an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.