Cùng với công tác cai nghiện bắt buộc, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tạo thuận lợi cho người nghiện ma túy đi điều trị cai nghiện tự nguyện. Kết thúc thời gian cai nghiện, dù theo hình thức bắt buộc hay tự nguyện, họ cũng được hỗ trợ để tái hòa nhập xã hội. Tiếc rằng, chặng đường đưa những mảnh đời lầm lỡ tìm lại chính mình còn đó những nỗi băn khoăn, những niềm trăn trở.
Không dễ đưa người nghiện đi cai tự nguyện
Để thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện tự nguyện, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là người nghiện, người sử dụng ma túy phải quyết tâm từ bỏ ma túy và tự nguyện điều trị. Tiếp đến là sự phối hợp của gia đình có thành viên nghiện ma túy với các cơ quan chức năng từ khâu tuyên truyền, vận động, tiếp xúc với đối tượng, cho đến quá trình cai nghiện.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, phần lớn người nghiện ma túy ngày càng lún sâu, sống lệ thuộc vào ma túy. Theo lời kể của anh T.Q.P, trú tại quận Đống Đa, thì mỗi khi lên “cơn vật”, “cơn ngáo”, người nghiện ma túy như bị “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”, họ tìm mọi cách để có thể thỏa mãn cơn nghiện. Vì thế, cuộc sống họ ngày càng bị chi phối bởi ma túy, mất dần đi ý thức tự nguyện đi cai nghiện.
Về phía gia đình, nhiều gia đình có thành viên nghiện ma túy thường không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Tâm lý muốn che giấu tình trạng nghiện của người thân là một trong những nguyên nhân khiến lực lượng chức năng khó tiếp cận với đối tượng để áp dụng các biện pháp giúp đỡ họ đi cai nghiện tự nguyện.
Trong trường hợp gia đình hợp tác mà bản thân người nghiện không phối hợp thì công tác vận động cũng không mang lại kết quả. Bà P.T.V, trú tại quận Hoàng Mai chia sẻ: “Khi phát hiện ra con trai vướng vào ma túy, gia đình tôi đã tìm mọi cách thuyết phục con đi cai nghiện tự nguyện, nhưng không thành. Tỏ ý phản đối, con tôi đã rời khỏi nhà nhiều ngày qua. Hiện chúng tôi không thể liên lạc, không biết con đang ở đâu, làm gì thì làm sao có thể đưa con đi cai nghiện”.
Ngoài yếu tố khó vận động, thuyết phục người nghiện ma túy tự đi cai, công tác cai nghiện tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn khác. Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội Nguyễn Trọng Dũng phản ánh, từ năm 2023, các địa phương không xây dựng chỉ tiêu đưa người nghiện đi cai nghiện tự nguyện, nên có những nơi, các lực lượng chức năng chưa cố gắng hết mình để có thể đưa càng nhiều người nghiện, người sử dụng ma túy đi cai càng tốt cho chính bản thân họ, gia đình và xã hội. Điều này lý giải vì sao số người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ những năm trước.
Điều cần quan tâm là việc tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng không dễ triển khai. Bởi vì, theo quy định của Luật Phòng, chống tệ nạn xã hội (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 và các quy định khác liên quan, thì các điểm có chức năng hỗ trợ cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng phải đáp ứng được các tiêu chí khá cao về cơ sở vật chất, nguồn lực con người. Vì thế, nhiều điểm cũ trước đây không đủ điều kiện hoạt động theo tiêu chí mới, còn những điểm mới lại chưa kịp hình thành. Mô hình điều trị thay thế bằng Methadone đang phân bố rộng khắp trên địa bàn Hà Nội chỉ phát huy hiệu quả với những người nghiện các chất dạng thuốc phiện, không phù hợp với người sử dụng ma túy tổng hợp, trong khi người sử dụng ma túy tổng hợp hiện lại chiếm số đông…
Do nhiều nguyên nhân, công tác cai nghiện tự nguyện trên địa bàn Hà Nội thời gian qua chưa đạt kết quả như mong muốn. Tính chung, toàn thành phố mới vận động được hơn 600 người cai nghiện ma túy tự nguyện trong 6 tháng đầu năm nay.
Khó quản lý sau cai nghiện
Kết thúc thời gian cai nghiện theo hình thức tự nguyện hay bắt buộc, các cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm bàn giao học viên cho gia đình, chính quyền địa phương nơi học viên cư trú để các bên phối hợp quản lý sau cai. Phần việc này hiện gặp khó ngay từ khâu học viên bước ra khỏi cơ sở cai nghiện. Bởi, một bộ phận không nhỏ học viên của các cơ sở cai nghiện trên địa bàn Hà Nội là những người không xác định được thân nhân, nơi cư trú...
Với những trường hợp rõ thông tin, được bàn giao về địa phương theo đúng quy định cũng không dễ quản lý sau cai. Lý do là vì nhiều trường hợp tái nghiện không lâu sau đó và rời khỏi nơi cư trú. Từ kinh nghiệm thực tế, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hà Đông Đỗ Thị Minh Loan phản ánh: “Mọi phương án đưa ra nhằm giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tìm lại bản thân vẫn chỉ là phương án khi đối tượng trợ giúp không phối hợp và không có mặt tại địa phương. Muốn tìm được họ càng không dễ, vì nhóm đối tượng này không phải là tội phạm để có thể truy tìm”.
Đối với những người đủ điều kiện để hỗ trợ sau cai thì con đường trở về của họ còn đó những gập ghềnh, gian khó. Bằng trải nghiệm của bản thân, anh T.V.Q, trú tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) cho biết, người sau cai nghiện thường có tâm lý mặc cảm, nên họ rất nhạy cảm với những câu nói như “nó mới đi cai nghiện về đấy”, “đã nghiện thì cai thế nào được, đừng bao giờ tin chúng nó”... Tâm lý e ngại khi tiếp xúc và sự thiếu tin tưởng của những người xung quanh là một trong những yếu tố khiến người sau cai nghiện thấy bản thân khó hòa nhập, thiếu động lực, nỗ lực để hòa nhập.
Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện cũng còn nhiều khó khăn. Các mô hình câu lạc bộ hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập xã hội có chỗ, có nơi hoạt động chưa tốt... Vì thế, hành trình trợ giúp những mảnh đời lầm lỡ làm lại cuộc đời vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.