(HNM) - Ước tính mỗi năm TP Hà Nội phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, trong đó rơm rạ chiếm khoảng 59%. Thay vì tái sử dụng hữu ích, một lượng lớn rơm rạ bị đốt ngay trên đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường. Đây là vấn đề đang được thành phố đặc biệt quan tâm giải quyết vì một Hà Nội không khói rơm...
Mô hình dùng rơm rạ để trồng nấm tại xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức). Ảnh: Bá Hoạt |
Lãng phí và ô nhiễm
Trước kia, rơm rạ sau thu hoạch được nông dân tận dụng triệt để làm thức ăn cho gia súc, ủ phân bón hoặc lót chuồng chăn nuôi, đun nấu, trồng nấm, đồ thủ công mỹ nghệ (mũ rơm, chổi rơm...). Tuy nhiên, hiện nay do có nhiều sản phẩm tiện dụng thay thế nên lượng rơm rạ được tận dụng không nhiều. Kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, hằng năm Hà Nội chỉ dùng khoảng 8% rơm rạ để trồng nấm, 14% làm thức ăn cho gia súc, 17% làm phân bón/lót chuồng, 8% đun nấu... Tính tổng cộng tại 18 quận, huyện cho thấy, mỗi năm TP Hà Nội đốt bỏ khoảng 296 nghìn tấn rơm rạ (chiếm 39% tổng lượng). Trong đó, một số huyện ven đô có lượng lớn rơm rạ bị đốt nhiều như: Đan Phượng (90%), Mê Linh (70%), Hoài Đức (69%), Thanh Trì (60%), Gia Lâm (60%), Đông Anh (55%)...
Đốt rơm rạ không chỉ lãng phí nguồn tài nguyên mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bởi khói bụi gia tăng, không khí ngột ngạt. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng nông thôn mà còn lan tới một số khu vực nội đô. Dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Đốt rơm rạ tạo ra nhiều khí thải độc hại, đặc biệt là khí CO2. Tổng lượng khí phát sinh từ đốt rơm rạ hằng năm ở Hà Nội ước khoảng 273 nghìn tấn CO2...
Tái sử dụng - lợi đôi đường
Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đề xuất với UBND TP Hà Nội một số giải pháp hạn chế tình trạng này bằng các cơ chế, chính sách. Theo đó, năm 2017, thành phố hỗ trợ nông dân 100% kinh phí xử lý rơm rạ và kèm theo đánh giá hiệu quả trên cơ sở mô hình thí điểm “cánh đồng không đốt rơm rạ” (từ nguồn ngân sách các cấp và xã hội hóa, huy động doanh nghiệp thu mua rơm rạ để sử dụng)...
Đến năm 2018, sẽ nhân rộng mô hình thí điểm “cánh đồng không đốt rơm rạ” trên cơ sở hỗ trợ 30-50% kinh phí (trích từ nguồn ngân sách thành phố dựa trên đề xuất của các quận, huyện, thị xã thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để thực hiện mô hình “phường, xã không đốt rơm rạ”. Năm 2019, sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trên cơ sở hỗ trợ 10% kinh phí (trích từ nguồn ngân sách của các quận, huyện, thị xã) để xây dựng mô hình “quận, huyện không đốt rơm rạ”. Đến năm 2020, Hà Nội sẽ tiến tới mô hình “thành phố không đốt rơm rạ”, kinh phí xử lý sẽ do nông dân tự chi trả.
Để xử lý rơm rạ không qua đốt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho biết, Chi cục đã tổ chức tọa đàm, tham vấn ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ địa phương và doanh nghiệp về các giải pháp công nghệ xử lý rơm rạ như: Xử lý bằng chế phẩm sinh học để làm phân bón, trồng nấm, ủ làm thức ăn cho gia súc, năng lượng sinh học... Hiện nay, một số mô hình thí điểm về xử lý rơm rạ sau thu hoạch đã được thực hiện trên địa bàn huyện Đan Phượng để rút kinh nghiệm và nhân rộng...
Cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã triển khai nhiều mô hình sử dụng rơm rạ, trong đó có mô hình sản xuất khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ đã chứng minh hiệu quả rõ nét. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, mô hình này vừa tận dụng được lượng lớn rơm rạ dư thừa sau thu hoạch để trồng khoai; vừa bổ sung đáng kể chất hữu cơ cho đất, giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư phân bón hóa học trong canh tác. Đây là hướng sản xuất nông nghiệp khá bền vững, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Ngoài ra, việc tận dụng rơm rạ để trồng nấm như nhiều hộ dân ở huyện Đông Anh đang làm cũng phát huy tác dụng. Do vậy, UBND huyện Đông Anh đã xây dựng đề án cụ thể hỗ trợ, khuyến khích nông dân đẩy mạnh việc trồng nấm từ rơm rạ, vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa giảm tình trạng ô nhiễm môi trường... Cách làm "lợi cả đôi đường" này rất cần các địa phương áp dụng và nhân rộng để trả lại cho Thủ đô Hà Nội môi trường trong lành, không khói bụi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.