Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì dịch bệnh Ebola, Tây Phi nghèo thêm

Kim Phượng| 30/08/2014 06:46

(HNM) - Dịch bệnh Ebola không những cướp đi sinh mạng của hơn 1.400 người và hơn 2.600 người nhiễm bệnh tại 4 nước khu vực Tây Phi (Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria), mà virus nguy hiểm này còn đang gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của những nước nghèo nhất thế giới.

Tại khu chợ ở Monrovia (Liberia), nhiều cửa hàng đã đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola.


Những con số tăng trưởng ngoạn mục cùng hàng tỷ USD đầu tư vào các mỏ khoáng sản giờ đang chịu sự đe dọa trầm trọng của virus Ebola xuất phát từ Guinea. Lúc đầu người ta nhận định nó chỉ có tác động không đáng kể lên nền kinh tế, nhưng hiện giờ, mọi ước tính đã thay đổi. Theo đánh giá của các chuyên gia, nền kinh tế của ba quốc gia trung tâm ổ dịch gồm Guinea, Sierra Leone và Liberia sẽ đối mặt với nguy cơ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 2% (khoảng 13 tỷ USD) trong năm nay do sự bùng phát của dịch bệnh Ebola. Moody's cảnh báo dịch bệnh này sẽ gây trở ngại cho ngành năng lượng của khu vực và sẽ nhanh chóng chuyển thành suy thoái kinh tế, tài chính.

Trước khi dịch bệnh tấn công, nhiều người dân của Liberia phải sống dưới mức nghèo khổ, 1 USD mỗi ngày. Bộ trưởng Bộ Tài chính Liberia, ông Amara Konneh cho biết, dịch bệnh Ebola đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế khốn khó từng ngừng trệ suốt 10 năm do nội chiến, khiến tăng trưởng kinh tế của Liberia chỉ còn 6,8% trong năm 2014, giảm 2% so với năm 2013.

Tình hình tại Sierra Leone không mấy khả quan, các hoạt động khai thác khoáng sản ngưng trệ bởi nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng rời khỏi tâm dịch trong khi giá cổ phiếu của các công ty rớt thảm hại, giảm tới 60% kể từ khi virus Ebola xuất hiện trở lại đầu năm 2014. Một bằng chứng rõ nhất, tập đoàn thép lớn nhất thế giới Arcelor Mittal cho biết, các hợp đồng khai quặng tại Liberia đã bị ngừng vì hãng phải rút nhân viên về nước. Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp vốn chiếm hơn 1/2 sản lượng nền kinh tế của Sierra Leone và Liberia cũng sớm trở thành nạn nhân của dịch bệnh.

Tại các khu vực bị cách ly ở Sierra Leone và Liberia, các loại cây như ca cao và cà phê đã bị bỏ rơi, không được chăm sóc vì nông dân sợ phải rời bỏ nhà cửa do dịch bệnh. Bộ trưởng Nông nghiệp Sierra Leone Joseph Sam Sesay cho biết, "quả bóng" kinh tế đang bị "xì hơi" 30%, trong đó nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do 66% dân số hoạt động trong lĩnh vực này. Là một nước nghèo nhất thế giới, với hệ thống y tế yếu kém, có số giường bệnh trên đầu người thấp nhất trong số 63 quốc gia đang phát triển khiến Guinea không thể phản ứng nhanh với dịch bệnh.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tăng trưởng GDP của quốc gia này sẽ giảm từ 4,5% xuống còn 3,5%. Du lịch cũng là lĩnh vực bị ảnh hưởng với số lượng đặt phòng và số tour du lịch tới các nước Tây Phi đều giảm mạnh trong thời gian qua. Việc đóng cửa biên giới ở Tây Phi và việc đình chỉ các chuyến bay cũng đang gây ảnh hưởng bất lợi về thương mại, hạn chế nghiêm trọng hoạt động xuất nhập khẩu. Thông tin mới nhất ngày 26-8, Hãng Hàng không British Airways của Anh thông báo sẽ gia hạn lệnh cấm bay tới đầu năm 2015 đối với các chuyến bay tới và đi từ hai nước bùng phát dịch nghiêm trọng nhất là Liberia và Sierra Leone. Trước đó, British Airways đã ban bố lệnh cấm bay tới Liberia và Sierra Leone tới tháng 9. Trong khi đó, các hãng hàng không của Hàn Quốc tuyên bố sẽ ngừng các chuyến bay đến Kenya bắt đầu từ ngày 20-8.

Mọi nỗ lực để cách ly những người bị nhiễm virus và phong tỏa biên giới là điều cần thiết, nhưng cũng khiến nhiều công ty bị đình trệ, tình trạng thất nghiệp gia tăng nhanh chóng. Hàng nghìn công nhân ngồi ở nhà mà không được nhận bồi thường hoặc bị cắt giảm đáng kể trong khi giá thực phẩm và nhiên liệu tăng lên nhanh chóng bất chấp sự nỗ lực của các chính phủ. Liberia đã cấm các cuộc tụ họp nơi công cộng và cho cán bộ, công chức không có công tác trọng yếu ở nhà. Chính phủ thậm chí còn có kế hoạch đóng cửa các khu chợ - một biện pháp sẽ khiến giá các sản phẩm tiêu dùng và ăn uống tăng cao.

Dù các chuyên gia nhận định rằng dịch Ebola không gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu, nhưng rõ ràng những tác động của nó không hề nhỏ. Và những quốc gia nằm trong tâm dịch Ebola hiện đều là các nước nghèo, sự bùng nổ Ebola đang có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ làm họ càng nghèo hơn. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì dịch bệnh Ebola, Tây Phi nghèo thêm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.