(HNM) - Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, có thể thấy nông nghiệp - nông thôn - nông dân Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc.
Và từ những thành tựu mang tính nền móng đó, Hà Nội đã và đang hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành 4 yếu tố cơ bản “điện - đường - trường - trạm”, Hà Nội giờ đây hướng tới ngưỡng phát triển cao hơn - “Đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm” như mô hình, cách làm hay của huyện Đan Phượng là một ví dụ điển hình.
Song, không phải dễ dàng để có được kết quả như ngày hôm nay. Những ngày đầu bắt tay vào thực hiện chương trình, bao khó khăn chồng chất. Từ việc ruộng đất manh mún, thiếu kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng đến việc không ít người dân chưa hiểu cặn kẽ ý nghĩa của chương trình...
Nhưng, vượt lên những vướng mắc đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, bám sát các chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Đồng thời, mỗi địa phương đã có những sáng tạo riêng, phù hợp với thực tiễn và quan trọng nhất là huy động được sức mạnh của người dân ngoại thành, cũng như sự hỗ trợ của các quận nội thành. Chính vì thế, công tác dồn điền đổi thửa đã thành công; việc xử lý nợ đọng xây dựng - vấn đề hóc búa với nhiều tỉnh, thành phố khác đến tận thời điểm này - đã được Hà Nội xử lý dứt điểm...
Vùng nông thôn mang diện mạo mới với những đổi thay cốt lõi: Thu nhập của người dân được nâng cao; sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, ứng dụng nhiều công nghệ mới; đời sống văn hóa tinh thần không ngừng cải thiện...
Tuy nhiên, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng; kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều… Vì thế, để tiếp tục triển khai các giải pháp trọng tâm trong năm 2020 và định hướng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới sau năm 2020; phấn đấu đến năm 2025 thu nhập của nông dân đạt tối thiểu 60 triệu đồng/người/năm, đến năm 2030 tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 70% trở lên, Hà Nội phải tháo gỡ rất nhiều khó khăn.
Trước hết, cần nâng cao hiệu lực công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Không ngừng sáng tạo trong quá trình triển khai, đồng thời phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng nông thôn mới ở thôn, xã.
Bên cạnh đó, cần phong phú hóa các hình thức tuyên truyền, vận động để nhân dân nâng cao nhận thức, để người dân thấy rằng, trong nhiều nguồn lực, nguồn lực trong dân là chủ yếu và nhân dân cũng chính là đối tượng thụ hưởng cuối cùng.
Song song với đó là nâng cao chất lượng quy hoạch, xây dựng đề án nông thôn mới khoa học, có trọng tâm trọng điểm, bảo đảm sự đồng thuận. Bài học về sự sáng tạo, gắn với thực tiễn trong việc chọn dồn điền đổi thửa, lấy quy hoạch sản xuất làm khâu đột phá, kiên trì tuyên truyền để nông dân thấy được lợi ích, qua đó tự nguyện thực hiện ngay từ những ngày đầu triển khai Chương trình số 02-CTr/TU đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ngoài ra, phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn với đô thị hóa và ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, hình thành nhiều hơn nữa các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn…
Xây dựng nông thôn mới một cách thực chất sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, mang đến sự đổi thay toàn diện cho cuộc sống mỗi người dân. Do đó, xây dựng nông thôn mới là công cuộc không có điểm dừng, hướng đến mục tiêu cao nhất vì chất lượng cuộc sống của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.