Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vết thương nhức nhối trong lòng Ai Cập

Thùy Dương| 26/11/2017 07:49

(HNM) - Buổi cầu nguyện ngày 24-11 tại đền thờ Hồi giáo Al-Rawdah ở phía Tây TP Arish, tỉnh Bắc Sinai (Ai Cập) đã trở thành thảm kịch khi những kẻ tấn công thực hiện các vụ đánh bom và nổ súng điên cuồng khiến 305 người thiệt mạng, 128 người bị thương.

Vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào đền thờ Hồi giáo Al Rawdah, ở phía Tây TP Arish, tỉnh Bắc Sinai.


Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi đã lập tức tiến hành một cuộc họp an ninh khẩn cấp vào tối cùng ngày, đồng thời tuyên bố sẽ có các biện pháp trừng phạt kiên quyết, xác đáng đối với những kẻ thủ ác và tài trợ khủng bố. Chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công được đánh giá là đẫm máu nhất trong lịch sử Ai Cập hiện đại, nhưng mọi con mắt đều đang đổ dồn về chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Ai Cập.

Truyền thông địa phương cho biết trong những người cầu nguyện tại đền thờ Al-Rawdah có những nhân vật theo dòng Hồi giáo Sufi vốn là mục tiêu của IS. Ngoài ra, IS cũng từng tấn công các bộ lạc địa phương vì họ hợp tác với quân đội và cảnh sát Ai Cập. Bán đảo Sinai nổi tiếng là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất của xứ sở Kim tự tháp với những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Sự bình yên của Sinai bị phá vỡ sau cuộc khủng hoảng chính trị năm 2011 và tiếp sau đó là việc ông Abdel Fattah Al-Sisi, một người theo chủ trương bài Hồi giáo cực đoan, lên làm Tổng thống vào năm 2014.

Ông đã thi hành các chính sách mạnh tay với tổ chức Anh em Hồi giáo từng có ảnh hưởng mạnh mẽ với chính phủ tiền nhiệm nắm quyền ở Ai Cập sau Mùa xuân Arab cũng như các lực lượng Hồi giáo cứng rắn. Kể từ đó, Sinai, đặc biệt là Bắc Sinai đã trở thành nơi nương náu của các phần tử cực đoan, bao gồm một tổ chức chân rết của tổ chức IS. Chúng thường thực hiện các vụ tấn công đẫm máu vào lực lượng an ninh và dân thường, nhằm chống lại sự lãnh đạo của Tổng thống A.Al-Sisi. Thế giới choáng váng chứng kiến các vụ tấn công tại bán đảo này gia tăng cả về số lượng và độ phức tạp, phần lớn nhằm vào các mục tiêu quân đội hoặc cảnh sát Ai Cập. Thời gian qua, trong khi các hành động khủng bố đã được lực lượng an ninh Ai Cập kiểm soát đáng kể tại thủ đô Cairo và nhiều thành phố khác thì riêng tại Sinai, kết quả vẫn chưa như mong muốn.

Ổn định tại Sinai là một ưu tiên chủ chốt đối với Ai Cập, đặc biệt với Tổng thống A.Al-Sisi, người đã cam kết tiêu diệt khủng bố và bảo đảm ổn định tại quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Cairo, phần lớn bán đảo Sinai vẫn ở trong tình trạng khó kiểm soát. Các nhà phân tích cho rằng vấn đề nằm ở chính sách chống khủng bố mang tầm nhìn ngắn hạn của Ai Cập. Việc tập trung vào tiêu diệt các lực lượng cực đoan là chưa đủ mà Chính phủ nước này cần những chiến lược phát triển kinh tế, chính trị và xã hội dài hạn đối với Sinai.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các thành trì của IS ở Trung Đông đang bị tiêu diệt gần như hoàn toàn. Do đó, các nước trong khu vực, bao gồm cả Ai Cập có xu hướng là điểm đến lý tưởng cho tàn quân IS. Giới chuyên gia cảnh báo nếu không sớm có được một giải pháp dài hạn, bán đảo Sinai có thể từ một ngòi nổ âm ỉ trở thành quả bom rung chuyển toàn Trung Đông. Vụ khủng bố đẫm máu hôm 24-11 vừa qua một lần nữa cho thấy những vết thương đối với sự ổn định của Ai Cập vẫn còn hết sức nhức nhối. Xứ sở Kim tự tháp tiếp tục đối mặt những nguy cơ an ninh hết sức phức tạp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vết thương nhức nhối trong lòng Ai Cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.