Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vết rạn nứt không đáng có

Trung Hiếu| 25/02/2012 06:12

(HNM) - Quan hệ giữa Washington và Kabul đang gặp những "sóng gió" ngoài mong đợi. Mặc dù ngày 23-2, Văn phòng Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai thông báo, nhận được từ Tổng thống Mỹ Barack Obama một bức thư xin lỗi về vụ các binh sĩ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đốt các bản kinh Koran tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Afghanistan. Tuy nhiên, "dư chấn" của vụ việc tiếp tục khiến tình hình trở nên khó kiểm soát.

Việc binh sĩ NATO đốt kinh Koran đã và đang gây bất bình trong dân chúng Afghanistan.

Ngày 23-2, phong trào Taliban tại Afghanistan đã kêu gọi các lực lượng an ninh của nước này hãy chĩa súng vào "những kẻ xâm lược vô thần người nước ngoài" sau khi một binh sĩ Afghanistan tham gia biểu tình bạo lực đã bắn chết hai binh sĩ Mỹ trong lực lượng NATO. Cùng ngày, khoảng 400 người biểu tình đã ném đá và đốt nhiều xe ô tô ở một căn cứ quân sự do Na Uy chỉ huy ở tỉnh Faryab, miền Bắc nước này. Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 23-2, ít nhất 3 người đã thiệt mạng khi xảy ra các vụ nổ súng trong cuộc biểu tình phản đối lính Mỹ đốt kinh Koran. Người phát ngôn chính quyền tỉnh Uruzgan, ông Sayed Marouf Hamdarad cho biết 2 người biểu tình đã thiệt mạng và 7 người khác bị thương do súng đạn ở huyện Deh Rawood, thuộc tỉnh Uruzgan. Các cuộc biểu tình đã bước sang ngày thứ ba liên tiếp với sự tham gia của hàng nghìn người dân, làm ít nhất 11 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Điều dư luận quan tâm là sự việc đang ngày một lan rộng, chưa có điểm dừng.

Vụ việc xảy ra tại Bagram, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Afghanistan, khi những người địa phương giúp việc tìm thấy nhiều cuốn sách của người Hồi giáo cháy dở trong một đống rác. Ngay khi tin tức này lọt ra ngoài, ngày 21-2, đã xảy ra các vụ biểu tình của người dân địa phương bên ngoài căn cứ quân sự này với khoảng hơn 2.000 người tham gia. Theo báo cáo ban đầu, có ít nhất 4 cuốn kinh Koran bị đốt. Những cuốn sách này do các tù nhân từng bị giam giữ tại căn cứ quân sự Bagram sử dụng. Một nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, sách Hồi giáo trong thư viện của nhà tù này đã được tù nhân sử dụng để chuyển tải các thông điệp có tính cực đoan, bằng cách viết thêm vào trong các trang sách. Do đó, hàng trăm cuốn sách đã bị loại bỏ khỏi thư viện.

Ngay sau sự việc bị phát hiện, ông H.Kazai đã tuyên bố sẽ thành lập một nhóm điều tra. Phát biểu trước báo giới, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ George Little khẳng định, hành động này không phản ánh quan điểm của quân đội Mỹ. Trước đó, Tư lệnh Mỹ tại Afghanistan John Allen cũng cho rằng, đây không phải là hành động cố ý, không có một quyết định nào về việc đốt các sách tôn giáo; trong đó có kinh Koran và quân đội Mỹ đã ngừng ngay lập tức việc tiêu hủy rác khi phát hiện ra các vật dụng này bị đốt. Nhà Trắng cho rằng, vụ đốt kinh Koran là "một tai nạn". Tuy nhiên, đây lại là một "tai nạn chết người". Nó xảy ra khi phương Tây đang cố khôi phục những cam kết trong việc ổn định tình hình trước khi rút khỏi quốc gia này vào năm 2014.

Vụ việc là "giọt nước tràn ly". Nó phản ánh những bức xúc của người dân nước này sau hơn 10 năm từ khi Mỹ và phương Tây tiến đánh để lật đổ chế độ Taliban tại Afghanistan và sau chừng đó thời gian an ninh vẫn chưa được khôi phục. Mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã lan rộng không chỉ từ Afghanistan sang nước láng giềng Pakistan mà còn tới cả các nước Trung Đông, Châu Phi và Đông Nam Á. Trên phương diện kinh tế, theo ước tính, Afghanistan cần thêm khoảng 10 tỷ USD để hoàn thành quá trình xây dựng đất nước như đẩy mạnh khai thác mỏ và mở rộng xuất khẩu, quản lý tài chính và chống tham nhũng quốc gia... Trong một nghiên cứu gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, sau năm 2014, ngân sách hằng năm của Afghanistan sẽ thiếu khoảng 7 tỷ USD. Quân đội nước này chắc chắn sẽ không thể chiến đấu nếu không có tiền trợ giúp từ nước ngoài. Trong khi đó, nơi đây đã và đang trở thành "vựa" ma túy của thế giới. Cũng theo Liên hợp quốc, từ năm 2005 đến 2009, số người nghiện heroin ở Afghanistan đã tăng gấp 3 lần, lên 150.000 người, bên cạnh 230.000 người đang dùng thuốc phiện...

Rõ ràng, "bài toán" Afghanistan đã quá nan giải không chỉ đối với chính quyền Kabul mà còn cả với giới chức phương Tây. Trong khi những bất đồng còn âm ỉ, vụ việc vừa diễn ra đã tạo nên vết rạn nứt không đáng có; nếu không được giải quyết triệt để, nó sẽ loang rộng, đẩy tình hình Afghanistan ngày càng khó kiểm soát.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vết rạn nứt không đáng có

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.