(HNM) - Đó là “vết nứt” vừa hình thành cuối tuần qua sau cuộc tranh cãi hiếm hoi, gây bất ngờ và rất dữ dội giữa Mátxcơva và Tehran về việc Mátxcơva ủng hộ dự thảo nghị quyết của Liên hợp quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran.
Kể từ Chiến tranh Lạnh (kết thúc năm 1991) đến nay, chưa bao giờ Iran và Nga lại rơi vào mâu thuẫn nghiêm trọng như vậy sau phát biểu của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, được truyền hình trực tiếp ngày 26-5 vừa qua với "lời chỉ trích mạnh mẽ bất thường". Người đứng đầu quốc gia Hồi giáo này trách cứ nặng nề Kremlin chùn bước trước cái gọi là áp lực Mỹ; đồng thời cảnh báo Tổng thống Dmitry Medvedev nên thận trọng hơn. Ông Mahmoud Ahmadinejad khẳng định, sự "ủng hộ" của Nga với Mỹ về vấn đề hạt nhân của Tehran là không thể chấp nhận và rằng "Mátxcơva đang ngả theo những nước vốn là kẻ thù của Tehran trong suốt 30 năm qua". Tehran còn khuyên Mátxcơva nên xem lại quyết định của mình hoặc đối mặt với việc bị Tehran coi như kẻ thù.
Vài giờ sau, Nga cũng có phản ứng tức thì. Cố vấn chính sách ngoại giao hàng đầu của Kremlin, ông Sergei Prikhodko đã bác bỏ chỉ trích từ Tehran; đồng thời tuyên bố, Tổng thống Iran nên kiềm chế "mị dân chính trị". Ông S.Prikhodko còn nhấn mạnh, Liên bang Nga tồn tại bằng những lợi ích quốc gia dài lâu. Quan điểm của Mátxcơva chính là quan điểm của người Nga, nó phản ánh lợi ích của toàn bộ nhân dân Nga chứ không thể là ủng hộ Mỹ hay Iran.
Iran hiện đang phải hứng chịu "3 gói" lệnh trừng phạt vì không chịu ngừng làm giàu urani theo yêu cầu của cộng đồng quốc tế. Hồi đầu tháng 5 này, Mỹ đã trình Hội đồng Bảo an (HĐBA) dự thảo nghị quyết trừng phạt bổ sung Iran, trong đó có việc giám sát hàng hóa và áp đặt những chế tài mới đối với việc nhập khẩu vũ khí thông thường của Tehran.
Bởi thế, có thể hiểu nguồn cơn của vết nứt mới bên bờ biển Caspi, ranh giới nối Tehran với Mátxcơva. Xét trên nhiều phương diện, thời gian qua, quốc gia Hồi giáo này đã có được chỗ dựa vững chắc là Nga trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là những mâu thuẫn quốc tế xoay quanh cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran. Mátxcơva với vị thế của một cường quốc hạt nhân đã từng giúp Tehran giảm thiểu các biện pháp trừng phạt rất khắc nghiệt từ phương Tây. Mặc dù Iran đã tạo dựng được một đồng minh rộng rãi, từ Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Sirya tới các quốc gia Trung Á… nhưng sự ủng hộ của Nga, một trong 5 nước thường trực HĐBA, vẫn được xem là có trọng lượng hơn cả. Sự ủng hộ ấy cũng lý giải tại sao trên các diễn đàn quốc tế như tại phiên khai mạc Kỳ họp kiểm điểm công tác thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) của Liên hợp quốc (3-5) tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Tổng thống M.Ahmadinejad đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt Mỹ đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân; đồng thời khẳng định kiên quyết theo đuổi chương trình hạt nhân. Kỳ họp này vừa kết thúc ngày 28-5 với kết quả có tới 189 quốc gia ký NPT, trong đó có Iran.
Sự xuất hiện vết nứt mới bên biển Caspi có nguy cơ làm sống dậy những "vệt đen" từ quá khứ trong cuộc chiến giữa Ba Tư và đế chế Nga hoàng cũng như mối quan hệ đầy chông gai giữa Tehran và Mátxcơva dưới thời Liên bang Xô viết. Thế nhưng, mối quan hệ thương mại hiện nay giữa hai nước đã tăng đáng kể trong hai thập niên qua; đồng thời Mátxcơva là điểm tựa quốc phòng chủ yếu của Tehran. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ (năm 1991), trao đổi thương mại giữa Nga và Iran đã tăng không ngừng, lên đến 3 tỷ USD vào năm 2009. Nga đã ký thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Iran và bán hàng tỷ USD vũ khí cho Tehran.
Tuy nhiên, giờ đây lòng kiên nhẫn của Nga đã đổi hướng khi Tehran từ chối công bố chi tiết đầy đủ về chương trình hạt nhân. Theo dư luận châu Âu và Bắc Mỹ, lãnh đạo Điện Kremlin đã "nóng mặt" vài lần trong nỗ lực thuyết phục Tehran giải quyết vấn đề hạt nhân. Hành động vừa qua của Mátxcơva được xem là nhằm hướng Tehran đến những giải pháp ôn hòa hơn để tìm một giải pháp hòa bình cho vấn đề này. Tuy nhiên, diễn biến đã không theo như mong muốn và một vết nứt lớn bên bờ biển Caspi đã xuất hiện.
Vết nứt ấy là không có lợi trong tình hình hiện nay. Trước mắt, nó có thể làm đổ vỡ hợp đồng lò phản ứng hạt nhân do Nga xây dựng tại Nhà máy điện Bushehr vào tháng 8 tới và Tehran cũng khó nhận được các hệ thống tên lửa phòng không S-300 đặt mua từ Mátxcơva. Cuối cùng, nếu không được hàn gắn, nó sẽ đẩy cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran diễn biến theo chiều hướng khó lường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.