(HNM) - Hàng không vốn đóng vai trò vô cùng quan trọng ở Indonesia, giúp người dân di chuyển qua lại giữa hàng nghìn hòn đảo. Tuy nhiên, an toàn bay ở Indonesia luôn dấy lên lo ngại khi đã có nhiều sự cố đau lòng xảy ra trong những năm gần đây.
(Ảnh: Reuters) |
Năm ngoái, Hiệp hội các nhân viên kiểm soát không lưu Indonesia tiết lộ rằng tỷ lệ các vụ cất cánh và hạ cánh tại Jakarta được Công ty điều khiển hàng không AirNav (Indonesia) cấp phép nhiều hơn mức mà sân bay có thể đáp ứng, đồng nghĩa với việc khả năng xảy ra các vụ tai nạn cao hơn. Các hãng hàng không của Indonesia cũng đối mặt với các lệnh “cấm cửa” kéo dài nhiều năm của Mỹ và Liên minh châu Âu do các vấn đề an toàn.
Vào tháng 8-2015, một máy bay chở khách thương mại do Hãng hàng không Indonesia Trigana vận hành đã đâm xuống Papua New Guinea do thời tiết xấu khiến toàn bộ 54 người trên khoang thiệt mạng. Năm 2014, một máy bay của Hãng AirAsia đã bị rơi làm 162 hành khách xấu số qua đời. Báo cáo cuối cùng của các nhân viên điều tra Indonesia cho thấy một bộ phận bị lỗi trong hệ thống kiểm soát bánh lái, bảo dưỡng kém và phản ứng không kịp thời của phi công là những nguyên nhân chính khiến máy bay này gặp nạn.
Ra đời vào năm 1999, Lion Air là một trong những hãng hàng không tư nhân của Indonesia với các tuyến bay nội địa và quốc tế. Sau nhiều năm hoạt động, Lion Air trở thành hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Indonesia và lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau AirAsia. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những hãng hàng không tai tiếng nhất khi liên tục không bảo đảm vấn đề kỹ thuật và để xảy ra hàng loạt tai nạn. Từ khi thành lập đến nay hãng đã ghi nhận hàng chục sự cố, nhiều lần các hành khách đã phải di tản khẩn cấp.
Năm 2013, một máy bay Boeing 737-800 thuộc Lion Air đã trượt khỏi đường băng và rơi xuống biển ngoài khơi đảo Bali. Rất may, không ai thiệt mạng trong vụ tai nạn này. Năm 2016, Lion Air tiếp tục khiến khách hàng hoang mang khi hai chiếc máy bay của hãng bị gãy cánh khi đang chuẩn bị cất cánh từ Sân bay Soekarno-Hatta của thủ đô Jakarta. Một năm sau đó, một máy bay của hãng lại bị tràn nhiên liệu khi chuẩn bị cất cánh tại Sân bay quốc tế Juanda...
Tuy nhiên, gần đây, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế đánh giá mức độ an toàn bay của Lion Air đã được nâng cao đáng kể. Thế nhưng vụ tai nạn thảm khốc của chuyến bay JT610 vừa qua đã trở thành nỗi ám ảnh của Hãng hàng không Lion Air cũng như của Indonesia.
Được biết, mẫu máy bay liên quan sự cố lần này là Boeing 737 MAX 8, chỉ mới được đưa vào sử dụng hai tháng gần đây và là bản nâng cấp của mẫu Boeing 737 cũ. Không chỉ là thảm họa của Lion Air, vụ tai nạn này còn đặt ra một câu hỏi lớn về mức độ an toàn của ngành Hàng không nước này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.