(HNM) - Trong bối cảnh lạm phát liên tục phi mã và khủng hoảng kinh tế chưa có dấu hiệu kết thúc, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vừa ký quyết định tăng 375% lương tối thiểu mỗi tháng cho người lao động, từ mức 40.000 lên 150.000 bolivar soberano (bolivar chủ quyền). Đây là lần thứ ba Venezuela tăng lương tối thiểu trong năm nay.
Bên cạnh lương tối thiểu, mức phiếu thực phẩm cũng tăng lên 150.000 bolivar soberano. Như vậy, mỗi người lao động Venezuela sẽ có mức thu nhập tối thiểu là 300.000 bolivar soberano/tháng. Điều đáng nói, dù đã tăng 375% thì mức lương tối thiểu hằng tháng mới của người lao động Venezuela cũng chỉ tương đương gần 8 USD, đủ để mua khoảng 4kg thịt.
Là một trong những nước có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới và có tỷ trọng ngành khai thác dầu lớn trong kim ngạch xuất khẩu, đã có thời điểm, Venezuela được xem là quốc gia giàu có nhất ở Mỹ Latinh. Tuy nhiên, do nền kinh tế quá phụ thuộc vào dầu mỏ nên khi giá “vàng đen” lao dốc cách đây 5 năm, Venezuela bị rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Cộng với áp lực của các lệnh trừng phạt, cấm vận từ Mỹ, “cường quốc” hoa hậu phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng nhanh.
Tổng thống N.Maduro được cho là đã bán hàng chục tấn vàng trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua để lấy tiền chi trả cho lượng hàng hóa nhập khẩu. Theo báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế, trong vòng 5 năm qua, 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Venezuela đã “tan thành mây khói”. Doanh nghiệp cạn vốn không thể hoạt động.
Hiện, người dân Venezuela đang phải chật vật sống trong tình cảnh thiếu hụt các loại thực phẩm cơ bản, như sữa, các loại thịt, gạo, dầu ăn cũng như các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác... Nhiều người dân phải xếp hàng chờ đợi trong vô vọng tại các cửa hàng thực phẩm nhưng không thể mua được bất cứ thứ gì, bởi hầu hết cửa hàng và siêu thị đều sạch trơn hàng hóa sau ít phút mở cửa.
Con số thống kê gần đây của Liên hợp quốc cho biết, 7 triệu người, tức khoảng 24% dân số Venezuela cần viện trợ nhân đạo do thiếu lương thực và thuốc men. Số người bị suy dinh dưỡng tại quốc gia Nam Mỹ này hiện lên tới 3,7 triệu người, cao gấp 3 lần so với con số của giai đoạn năm 2010-2012. Ít nhất 22% số trẻ em dưới 5 tuổi mắc chứng suy dinh dưỡng mạn tính. Tình hình quá khó khăn buộc 10% dân số Venezuela phải bỏ nhà sang quốc gia láng giềng Colombia, Peru, Ecuador, Argentina, Brazil... để kiếm sống và dự kiến đến cuối năm nay, sẽ có hơn 5 triệu dân Venezuela sống lưu vong.
Trong khi đó, chương trình phục hồi, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế mà Caracas đưa ra cách đây hơn 1 năm chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt. Từ việc phát hành đồng tiền mới nhằm giúp Venezuela giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, cho tới lộ trình tăng hàng hóa và dịch vụ trong nước, cân bằng giữa giá cả các mặt hàng tiêu dùng và sức mua... dường như không phải là “liệu pháp” hữu hiệu đối với “căn bệnh trầm kha” mà nền kinh tế Venezuela đang mắc phải.
Các nhà phân tích cho rằng, việc tăng lương sẽ không giúp ích được gì nhiều để giải quyết những khó khăn mà người dân nước này đang phải gánh chịu. Động thái trên chỉ có tác động tích cực trong ngắn hạn với hầu hết người dân Venezuela, vốn đang phải chống chọi với tình trạng thiếu lương thực, thuốc men và năng lượng. Ngược lại, tăng lương sẽ khiến lạm phát tại Venezuela gia tăng.
Theo dự đoán của Quỹ tiền tệ quốc tế, lạm phát tại Venezuela trong năm 2019 có thể lên tới 10.000.000%, gấp 7,7 lần năm trước, kéo theo những vấn đề chính trị, kinh tế, an ninh, xã hội đáng lo ngại. Nói tóm lại, công cuộc tái thiết đất nước đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và sự nỗ lực tối đa của bộ máy chính quyền đương kim Tổng thống N.Maduro.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.