Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẹn nguyên một tình yêu Hà Nội

Tùng Lâm| 10/10/2022 06:21

(HNM) - Một ngày tháng 10 giữa thành phố Hồ Chí Minh mát như mùa thu Hà Nội, chúng tôi gặp và trò chuyện với Tiến sĩ Diệp Ngọc Sương. Ở tuổi 80, bà vẫn vẹn nguyên ký ức tươi đẹp về một thời thanh xuân sôi nổi của cô bé học sinh miền Nam gắn với một Hà Nội sâu lắng, đầy tình người...

Tiến sĩ Diệp Ngọc Sương (người ngồi thứ hai từ phải sang), Tổng Thư ký Hội Hóa học thành phố Hồ Chí Minh cùng các đồng nghiệp.

Thanh xuân với Hà Nội

Quê gốc của bà Diệp Ngọc Sương ở tỉnh Tiền Giang. Năm 1946, ông Diệp Ba là cha của bà tham gia đội quân chiến đấu với quân Pháp xâm lược ở vùng miền Tây sông nước, còn vợ con ở lại Sài Gòn. Chiến sự lan rộng, đầu năm 1950, gia đình bà được đưa vào Cà Mau để cha con, vợ chồng gần nhau hơn.

“Tháng 11-1954, ba mẹ tôi đưa 5 chị em lên tàu biển từ Cà Mau tập kết ra Bắc. Lúc đó tôi 12 tuổi. Đám trẻ chúng tôi chưa ý thức được ý nghĩa của chuyến đi lịch sử này, chỉ háo hức được đến nơi mà chúng tôi được nghe đến nhiều là miền Bắc”, bà Sương kể. Đây cũng là một trong những chuyến tàu đầu tiên đưa cán bộ miền Nam và gia đình ra Bắc tập kết.

“Đến vùng biển Quảng Xương, Thanh Hóa, tôi cùng các bạn học sinh miền Nam được đưa xuống tàu vào bờ. Ba mẹ và chị cùng các em tôi tiếp tục hành trình ra Hải Phòng. Sau 2 tháng sống trong sự đùm bọc, yêu thương của bà con xã Quảng Hải, chúng tôi được xe bộ đội đưa về Hà Nội. Điểm dừng chân đầu tiên là Bờ Hồ”, bà Sương kể tiếp.

Người phụ nữ hơn 80 tuổi giờ vẫn vẹn nguyên ký ức lần đầu đến với Hà Nội trong chiều đông giá rét, sương giăng mặt hồ huyền ảo năm ấy. Những cô gái tóc dài, áo trắng quần đen đạp xe chầm chậm trên đường rộng vắng người bên hàng cây lớn phủ bóng... “Tôi chưa từng thấy khung cảnh đó. Hà Nội tôi vẫn nghe kể không hào nhoáng lung linh mà gần gũi, đơn sơ. Lạ nhưng rất quen…” bà Sương nói, mắt nhìn xa xăm.

Sau đó, học sinh miền Nam được đưa về ở nhà dân trong làng Giảng Võ. Cô bé 12 tuổi vốn quá quen với thị thành Sài Gòn tấp nập, quá thuộc cảnh sông nước mênh mông, nhà dân thưa thớt ở Cà Mau, nay ngỡ ngàng trước lối sống quần cư tình làng nghĩa xóm của làng trong phố giữa Thủ đô. Nơi mà những con đường lát gạch dẫn khách phương xa ngoằn ngoèo vào từng căn nhà tách biệt nhau giữa vườn cây, nơi ai cũng biết ai và sẵn lòng giúp đỡ mọi người.

Một thời gian sau, bà Sương và các học sinh miền Nam được đưa về vùng quê Thượng Cát (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm). Cho đến giờ, bà vẫn xúc động khi nhắc lại chuyện người dân miền Bắc nhường cơm để học sinh miền Nam được ăn 2 bữa một ngày, nhường áo để các em được mặc ấm. Cô bé miền Nam được ngủ trên chiếc giường kê bên trái căn nhà 3 gian, cạnh ban thờ ở gian giữa; được hướng dẫn lấy chiếc thau đồng ra bể nước mưa trước nhà rửa mặt mỗi sớm mai; được ra sân hợp tác chơi rước đèn phá cỗ Trung thu…

Hà Nội nuôi lớn ước mơ

Cuối năm 1955, cô nữ sinh Diệp Ngọc Sương cùng các bạn được đưa về Hải Phòng, trở thành những học sinh khóa đầu tiên của Trường Học sinh miền Nam số 4. Đến năm 1962, học lớp 10, cô gái 20 tuổi mới quay về Hà Nội. Cô gặp gia đình mình trong căn nhà nhỏ trên căn gác nhà số 2B Ngô Thì Nhậm.

Ba cô, dù đang là cán bộ cấp cao, nhưng ông chỉ nhận căn phòng nhỏ này thay vì nhận căn nhà lớn ở Quán Sứ. “Ba tôi nhận nhà ở đó để mẹ tôi đi làm gần. Bà không đi được xe đạp, nên đi bộ từ nhà đến cơ quan lâm nghiệp ở phố Yersin”, bà Sương nói.

Một buổi tối, bên cửa sổ nhìn xuống đường Ngô Thì Nhậm vắng người, ba cô nói với con gái mình về tương lai. Ông bảo: “Con đã lớn. Con đường phía trước là do con quyết định. Ba mẹ không làm thay con việc này…”. Ông nói thế, bởi đã nghe cô kể về những nỗ lực trong suốt những năm qua. Cô nữ sinh miền Nam học giỏi các môn tự nhiên và đã được kết nạp Đảng khi 20 tuổi, rồi được tuyển thẳng vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

“Thầy Ngụy Như Kon Tum khuyên tôi nên học Khoa Toán, bởi tôi đủ điểm và đang có ít nữ học toán. Tôi đã theo học một thời gian, nhưng thực sự thấy không hợp. Tôi quyết định xin chuyển sang Khoa Hóa, nơi tôi được đúng là mình”, bà Sương nói tiếp.

Suốt từ năm 1962 đến 1964, cô sinh viên Diệp Ngọc Sương vừa cùng bạn bè miệt mài nơi giảng đường, vừa chung tay lao động mỗi chủ nhật cuối tuần, nào là đào hồ, đắp đất ở vườn Bách Thảo, rồi tham gia đắp đê, gặt lúa… Tốt nghiệp ra trường, cô gái trẻ Diệp Ngọc Sương về nhận công tác tại Trường Đại học Công nghiệp nhẹ. Năm 1974, cô được nhà trường cử đi học và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Tiệp Khắc cũ. Trở về nước năm 1978, cô quay về miền Nam.

Sau đó, bà Diệp Ngọc Sương từng là Trưởng bộ môn Khoa Hóa Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh; là một cán bộ năng nổ của Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường chất lượng 3; là một trong những người phát triển Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm cho đến khi nghỉ hưu năm 1996. Đến năm 1997, bà Diệp Ngọc Sương thành lập một trong những doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh.

“Qua 3 năm mày mò hoạt động trong bối cảnh Việt Nam chưa có thị trường khoa học công nghệ, doanh nghiệp của tôi đã tìm được hướng đi đúng đắn và phát triển. Đến nay, tôi không trực tiếp điều hành nữa, nhưng đang đỡ đầu cho 7 doanh nghiệp khoa học do các thế hệ học trò của tôi lập ra. Về phần mình, tôi đang hoàn tất dự án kết nối mạng lưới các phòng thí nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh”, bà Sương hào hứng nói.

Nhớ về những năm tháng đã qua, bà Diệp Ngọc Sương tâm sự: “Những năm tháng sống và học tập tại Thủ đô Hà Nội đã trang bị cho tôi những kiến thức cơ bản tốt nhất. Các thầy cô hết lòng dạy bảo, tạo mọi điều kiện để chúng tôi được bộc lộ hết năng lực.

Hà Nội giúp tôi nuôi lớn ước mơ và trưởng thành. Trong tôi luôn vẹn nguyên một tình yêu Hà Nội…”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẹn nguyên một tình yêu Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.