(HNM) - Ngày 9-8, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo 3 tỉnh, TP gồm Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT), Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh đã có cuộc họp với Công ty CPHH Vedan Việt Nam về việc bồi thường thiệt hại cho nông dân. Kết thúc cuộc họp, Vedan đã chấp nhận bồi thường cho nông dân BRVT và TP Hồ Chí Minh theo đúng con số đã yêu cầu. Riêng với Đồng Nai, Vedan vẫn cò kè bớt một thêm hai!
Các phóng viên phỏng vấn ông Yang Kun Hsiang, TGĐ Công ty CPHH Vedan Việt Nam sau cuộc họp. |
Bồi thường 100% cho nông dân TP Hồ Chí Minh và BRVT
Đầu cuộc họp, Vedan đã nâng con số đền bù của BRVT từ 40 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng; TP Hồ Chí Minh từ 30 tỷ đồng lên 40 tỷ đồng và Đồng Nai từ 60 tỷ đồng lên 70 tỷ đồng. Vedan cũng bày tỏ mong muốn bà con nông dân các tỉnh chấp nhận con số này và không tiếp tục khởi kiện Vedan ra tòa. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh BRVT và TP Hồ Chí Minh đã không đồng ý mà kiên quyết đòi đúng con số đã đưa ra.
Trước thái độ kiên quyết của lãnh đạo hai tỉnh, Vedan đã phải chấp nhận đền bù đúng số tiền hơn 45,7 tỷ đồng cho TP Hồ Chí Minh và hơn 53,6 tỷ đồng cho BRVT. Riêng với Đồng Nai, Vedan vẫn chỉ chấp nhận bồi thường 70 tỷ đồng. Công ty này cũng đề nghị, số tiền bồi thường sẽ được chuyển làm hai lần: lần thứ nhất chuyển 50% trong vòng 7 ngày sau khi có văn bản chấp thuận của các tỉnh; lần thứ hai là vào quý I-2011. Số tiền chi trả lần hai sẽ được bảo lãnh tại ngân hàng. Trả lời báo chí về việc không nhanh chóng bồi thường số tiền này ngay từ đầu, ông Yang Kun Hsiang, Tổng Giám đốc Công ty Vedan tỏ ý rất lấy làm tiếc về thời gian kéo dài vừa qua với nông dân và lãnh đạo địa phương!
Tại buổi họp báo sau khi kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai cho biết, các tỉnh đã xử lý có tình, có lý trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Vedan đã cam kết đền bù 100% số tiền bồi thường thiệt hại cho hai tỉnh cũng thể hiện rằng Vedan đã nhận rõ trách nhiệm của mình. Về con số bồi thường thiệt hại cho nông dân tỉnh Đồng Nai chưa đạt được kết quả mong muốn, Thứ trưởng Lai cho rằng, do chưa có sự tính toán thống nhất giữa UBND tỉnh Đồng Nai, các sở, ban, ngành trong tỉnh và Viện Môi trường và Tài nguyên (Viện MT-TN - thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đơn vị đã khảo sát và đưa ra con số thiệt hại cho 3 tỉnh) nên Vedan chưa thể đưa ra mức bồi thường. Thứ sáu tuần này (ngày 13-8), Vedan sẽ tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để quyết định con số bồi thường cuối cùng.
Đồng Nai cần đòi đúng số tiền 119 tỷ đồng mà Viện MT-TN đã đưa ra
Trong khi số tiền bồi thường cho TP Hồ Chí Minh và BRVT được căn cứ theo con số mà Viện MT-TN đã đánh giá và tính toán thì số tiền cho tỉnh Đồng Nai chỉ bằng 58% con số Viện này đưa ra (70 tỷ đồng trên tổng số 119 tỷ đồng). Ông Yang Kun Hsiang cho rằng, sở dĩ có sự chênh lệch này là vì Vedan cần đánh giá lại phạm vi gây ô nhiễm.
Mức bồi thường của TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được chấp nhận, bà con nông dân không còn phải mất thời giờ nhờ sự trợ giúp của các cơ quan bảo vệ luật pháp. Ảnh: Phạm Dũng |
Phát biểu sau cuộc họp, ông Trần Văn Cường, Phó GĐ Sở NN&PTNT, Trưởng ban chỉ huy thống kê thiệt hại kinh tế và môi trường vụ Vedan của tỉnh BRVT cho biết, việc kiên trì theo đuổi vụ việc buộc Vedan phải bồi thường thiệt hại cho người dân đến nay đã có hồi kết. Mức yêu cầu bồi thường của nông dân BRVT đã được Vedan chấp thuận 100%. Tuy nhiên, nếu thái độ này được thực hiện ngay từ khi Vedan bị phát hiện xả thải gây ô nhiễm và bồi thường ngay khi có kết quả điều tra thì chắc chắn mọi việc sẽ tốt hơn nhiều và hình ảnh của sản phẩm Vedan sẽ không xấu như hiện nay. Sau cuộc họp này, tỉnh sẽ tổ chức họp phổ biến kết quả cho nông dân. Đồng thời, lập phương án chuyển chi phí bồi thường đến từng người dân, đồng thời triển khai các bước để thực hiện những gì Vedan cam kết trong cuộc họp. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.