Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về với quê hương “Chiếc gậy Trường Sơn”

Hoàng Cường - Ngọc Hải| 27/07/2010 06:57

(HNM) - Chúng tôi về huyện Ứng Hòa, quê hương của bài hát


Nối dài truyền thống cách mạng

Lãnh đạo Báo Hànộimới và huyện Ứng Hòa thăm và tặng quà bà Nguyễn Thị Điền, mẹ của 2 liệt sĩ. Ảnh: Bá Hoạt


Ông Nguyễn Văn Xuyên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ứng Hòa bắt chặt tay anh em trong đoàn công tác của Báo Hànộimới: “Các anh về đây, cùng với Huyện ủy, UBND huyện chúng tôi, góp thêm hơi ấm, sự quan tâm đầy nghĩa tình với các gia đình chính sách. Đây chính là sự tri ân hết sức thiết thực”. Những suất quà mà Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới tặng các gia đình chính sách không lớn, nhưng đó là sự thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là tấm lòng của cán bộ, phóng viên báo đối với các gia đình chính sách, gia đình có công.

Kể chuyện Chiếc gậy Trường Sơn thời kỳ chống Mỹ, ông Nguyễn Đình Kiêm (thương binh hạng 2/4), hiện là Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện say sưa sống lại một thời hào hùng của dân tộc. Với quyết tâm Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, những người con ưu tú của Ứng Hòa đã nối tiếp nhau lên đường ra chiến trường. Năm 1965, khi đế quốc Mỹ tăng cường leo thang đánh phá miền Bắc, người dân xã Hòa Xá có sáng kiến lập những đội quân dự bị để khi Tổ quốc gọi, thanh niên lên đường ngay. Người dân Hòa Xá đã tặng mỗi chiến sĩ ra trận một cây gậy quê hương, tiếp thêm sức mạnh trên đường hành quân.

Vượt qua dãy Trường Sơn hiểm trở, những người con Ứng Hòa tham gia ngay chiến trận ác liệt nên không có thời gian viết thư báo tin về quê nhà. Họ chỉ kịp gửi về 3 chiếc gậy rèn sức, báo tin: chúng con đã vững vàng vượt qua Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ đó đến nay, hầu hết người dân Ứng Hòa đều thuộc lòng những câu thơ đầy khí thế:

“Vai đeo 25 cân
Chân đi ngàn dặm
Vượt suối băng ngàn
Sẵn sàng nhập ngũ
Tiền tuyến cần một
Hòa Xá đã có hai”...

Với khí thế ấy, quyết tâm ấy, lớp lớp thanh niên đã nô nức ra chiến trường. Nhiều người đã anh dũng hy sinh, có người để lại một phần cơ thể nơi chiến trường, trên mình mang đầy thương tật... Đọc con số thống kê số liệt sỹ, thương, bệnh binh của Ứng Hòa lên đến hơn 9.000 người, chúng ta vô cùng biết ơn và khâm phục sự đóng góp và hy sinh to lớn của người dân quê hương cách mạng.

Trọn nghĩa, vẹn tình

Chúng tôi đến thăm bà Đặng Thị Diếu, sinh năm 1953, con liệt sỹ, bị mù bẩm sinh, ở thôn Nội Xá, xã Vạn Thái. Thật ngỡ ngàng khi vừa nghe tiếng khách chào, bà Diếu đã hỏi vọng ra: “Bác Kiêm đó à?”. Câu hỏi thật bình dị nhưng đó là sự thân tình giữa những người làm chính sách ở địa phương với các gia đình có công với cách mạng, chứng tỏ cán bộ huyện rất gần gũi với bà con, nhất là những người thuộc gia đình chính sách.

Cha bà Diếu (liệt sĩ Đặng Văn Xuân), hy sinh trong trận càn của giặc Pháp, khi bà chưa đầy hai tuổi. Ký ức về cha quá nhạt nhòa, nhưng trong tâm trí bà, cha là người anh hùng đã dũng cảm hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đón nhận món quà của Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới trao tặng, bà Diếu xúc động mãi mới nói nên lời. Cuộc đời bà gặp quá nhiều trắc trở, không chồng, không con, sống trong cảnh mù lòa. Tri ân tưởng nhớ tới công lao của những người vì nền độc lập dân tộc, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đã xây tặng bà ngôi nhà tình nghĩa. Bây giờ, cuộc sống tuy còn nhiều vất vả nhưng với bà Diếu, niềm vui lớn là có sự ấm áp, bởi sự quan tâm, chăm sóc của toàn xã hội, của các cấp, chính quyền.

Chia tay gia đình bà Diếu, đoàn công tác Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới đến thăm và tặng quà gia đình ông Trần Công Chính, thương binh nặng ở xã Vạn Thái. Bà Ngô Thị Chi, vợ ông Chính kể, ngày ấy, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước đón thương binh về nhà chăm sóc, bà đã đón anh thương binh Chính về rồi nên duyên. Từ đó, với bàn tay tần tảo sớm hôm của cô giáo Chi, anh Chính luôn được sự chăm sóc, động viên không chỉ của người vợ đảm mà của nhiều tổ chức chính trị, xã hội… Giờ đã bước sang tuổi 65, dù thường xuyên phải đi điều trị vết thương, nhưng anh thương binh Chính và cô giáo Chi vẫn thấy cuộc sống thật đầm ấm và nhiều ý nghĩa, bởi quanh họ luôn có sự quan tâm, chăm sóc của các ngành, các cấp và cả xã hội.

Ông Nguyễn Đình Kiêm cho biết thêm, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, chỉ tính từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã vận động, ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa với số tiền lên đến hơn 570 triệu đồng. Với sự đóng góp ấy, đã có 10 căn nhà tình nghĩa được trao cho các hộ chính sách; 10 căn nhà khác được hỗ trợ, sửa sang; hàng trăm hộ được hỗ trợ để thoát nghèo.

Về thị trấn Vân Đình, chúng tôi đến thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Bẩy, 98 tuổi, mẹ của liệt sỹ Lê Duy Tảo. Trong tâm khảm mẹ, dù chồng tham gia kháng chiến chống Pháp, bị địch giết ngay trước cổng làng, rồi người con trai duy nhất cũng hy sinh nơi chiến trường, nhưng mẹ vẫn yên lòng vì được chứng kiến đất nước Hòa bình, ngày càng no ấm. Giờ mẹ đang sống cùng người cháu họ, dù không còn anh Tảo, nhưng mẹ vẫn có hàng trăm đứa con khác thường xuyên lui tới, động viên, chăm sóc.

Chia tay mẹ Bảy, chúng tôi hiểu rằng, những người làm báo, Đảng bộ, Chính quyền huyện Ứng Hòa dù có cố gắng đến mấy cũng khó có thể bù đắp hết những mất mát, không thể trả hết nợ ân tình với những công lao của các liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách. Mưa rồi sẽ tạnh, nỗi đau rồi sẽ vơi, nhưng công lao của những anh hùng liệt sỹ, sự cống hiến to lớn của những thương, bệnh binh, gia đình chính sách thì mãi mãi trường tồn với non sông, đất nước.

Khi chia tay, với sự bắt nhịp của Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đức Bật, tất cả chúng tôi cùng hát bài “Chiếc gậy Trường Sơn” trong tâm trạng bồi hồi xúc động về một thời khói lửa, một thời anh hùng: … “Trường Sơn ơi! Ta đã lên đườngvới gậy quê hương/Trường Sơn ơi, chan chứa bao tình/cho gậy mòn dốc núi vẫn giữ tấm lòng son/ Sức trẻ đi cứu nước, vững vàng hơn dãy Trường Sơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về với quê hương “Chiếc gậy Trường Sơn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.