(HNM) - Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam được biết vào cuối ngày 16-1. Việc nhà văn Y Ban và mới đây là nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, gửi thư ngỏ đến Ban Chấp hành (BCH) Hội Nhà văn Việt Nam, từ chối nhận bằng khen của hội đã gây băn khoăn trong dư luận.
Kết quả giải thưởng công bố trên trang web chính thức của hội cho thấy, trong lĩnh vực văn xuôi có một tác phẩm đoạt giải thưởng; tác phẩm của Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam được nhận Bằng khen.
Trao đổi với Hànộimới, nhà văn Y Ban khẳng định trước khi gửi thư ngỏ tới một số trang mạng văn chương, bà đã trực tiếp gửi thư tới Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời gửi email cho một số ủy viên hội đồng ở xa. Nhà văn nói rằng bà từ chối nhận bằng khen, cũng như tuyên bố từ bỏ vị trí Ủy viên Hội đồng văn xuôi, vì "Ban giám khảo không đủ tâm, đủ tầm bỏ phiếu cho tác phẩm", và "việc tôi ngồi ở ghế Ủy viên Hội đồng văn xuôi không thể mang lại lợi ích nào cho các nhà văn". Theo bà Y Ban, cách thức bỏ phiếu cho tác phẩm vào chung khảo của hội đồng văn xuôi thiếu chuyên nghiệp, không có trách nhiệm với lá phiếu: Có người bỏ phiếu… qua điện thoại, nhờ nói lại; có người bỏ phiếu dù chưa kịp đọc tác phẩm; có người thì xin bỏ phiếu sau… Có hai phiếu trắng, tức là giám khảo không tỏ rõ quan điểm, nhận định về tác phẩm.
Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, tác giả của tiểu thuyết lịch sử "Một thế kỷ bị mất" khẳng định với PV Hànộimới là đã có thư ngỏ từ chối nhận bằng khen của hội.
Việc từ chối nhận giải thưởng hay những tặng thưởng khác là quyền của các tác giả, nên coi là điều bình thường trong sinh hoạt văn chương. Đồng tình với quan điểm này, nhà văn Đình Kính, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam nêu rõ, BCH chỉ có thể giải quyết dứt điểm khi có đơn chính thức với chữ ký của tác giả gửi đến hội. Ông cho biết, chắc chắn BCH Hội Nhà văn Việt Nam sẽ sớm có cuộc họp, trả lời công khai về vấn đề này. Mặc dù không phải mọi ý kiến đóng góp của hội viên đều đúng cả, nhưng với việc có hai nhà văn từ chối nhận bằng khen thì BCH cũng phải xem xét, rút kinh nghiệm. Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam - ông Đỗ Hàn khẳng định: Hiện hội mới nhận được ý kiến chính thức của nhà văn Y Ban và sáng nay (21-1), trong cuộc họp của Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, vấn đề này sẽ được xem xét.
Theo Quy chế của BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII thì quyết định cuối cùng về việc trao giải thưởng cũng như bằng khen của hội là do BCH quyết định. Vậy thì, có lẽ lại phải đặt câu hỏi rằng, có nên công bố giải thưởng trên trang web khi chưa có quyết định cuối cùng?
Thiết nghĩ, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam là một giải thưởng nghề nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống văn học nước nhà. Hội Nhà văn Việt Nam cũng như Hội đồng giải thưởng cần có tiếng nói chính thức, sớm phản hồi lại những kiến nghị, thắc mắc của hội viên. Sự chính xác trọn vẹn là điều khó đạt tới ở bất kỳ một cuộc xét giải thưởng nào, nhưng cách làm công khai, sự nghiêm túc sẽ giúp xóa nhòa những bức xúc, bất đồng.
Mong là sự kiện quan trọng của văn học cả nước năm 2012 sẽ không phải khép lại với một cái kết buồn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.